Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương

21/09/2014
Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở Trung ương
Ngày 20/9, tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) ở Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc thực hiện thí điểm TPL “là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm của chúng ta là làm phải thành công”.
 

Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Hoàng Sỹ Thành cho biết, tính đến hết ngày 31/7/2014, tổng doanh thu của các Văn phòng TPL là 54 tỷ 133 triệu 245 nghìn đồng. Tại Trung ương, các Bộ, ngành đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất vĩ mô cho việc triển khai thí điểm. Mặc dù, việc thí điểm đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhưng về cơ bản, việc thực hiện thí điểm TPL đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

   

Chỉ đạo sát sao, nhưng việc thực hiện còn “dè dặt”

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, các địa phương thí điểm đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện mà trọng tâm là việc xây dựng đề án, làm các thủ tục để bổ nhiệm TPL; thành lập, đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL; tạo điều kiện để các Văn phòng hoạt động, tuyên truyền phổ biến về việc thí điểm chế định này. Trong quá trình triển khai, Tỉnh ủy/Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm, quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương thực hiện. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, TPL -  một chế định còn mới mẻ, hiểu biết và sự quan tâm của cán bộ và người dân chưa nhiều, ngay trong nhận thức của mỗi ngành cũng chưa đầy đủ, còn tư tưởng “đang thí điểm”, do vậy, việc thực hiện vẫn còn “dè dặt”.

Lập vi bằng, còn chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh

Lập vi bằng, một hoat động quan trọng của TPL, khi triển khai thực hiện đã cho thấy nhiều bất cập. Là địa bàn có 5 Văn phòng TPL với tổng số 28 TPL, sớm ổn định và đi vào hoạt động, song ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội vẫn không khỏi lo ngại khi ”nhiều TPL năng lực hạn chế, hoặc biết sai vẫn cố tình lập vi bằng mà hậu quả thì khôn lường”. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì Sở Tư pháp có trách nhiệm đăng ký vi bằng, tuy nhiên việc thực hiện có nhiều lúng túng. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long cũng băn khoăn, “Sở Tư pháp phải thực hiện như thế nào, chỉ ký tên, đóng dấu hay cần phải xác nhận nội dung, cấp nào của Sở Tư pháp thực hiện để có giá trị pháp lý (cấp Phòng hay Ban Giám đốc thực hiện). Còn ông Tạ Quốc Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thẳng thắn chỉ ra “vấn đề lập vi bằng, vẫn còn chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh, do vậy, việc thực hiện dễ xảy ra “chồng chéo hoặc lấn sân”.  

   

Có TPL, Tòa án và Thi hành án sẽ giảm tải công việc

Với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị thí điểm đầu tiên trên cả nước đã thu được nhiều thành công. Ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, “có TPL, chúng tôi giảm tải công việc”. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn cho rằng, ”việc xác minh, trực tiếp tổ chức THA, TPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng của TPL”.

Trên tinh thần ủng hộ hoạt động của TPL, ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao còn cho biết, “một trong những hoạt động tống đạt của Tòa án là tống đạt những văn bản tố tụng của tòa án và phải hợp lệ, với số lượng văn bản rất lớn, nhưng yếu tố con người ít, nếu có TPL đảm đương được công việc này, sẽ giảm bớt công việc được cho Tòa, giúp cho Tòa đẩy nhanh công tác xét xử. Về phía Tòa án, sẽ phối hợp tốt, tạo những điều kiện cho TPL thực hiện, về phía TPL cũng phải tạo niềm tin cho Tòa án là việc tống đạt này đảm bảo đúng thủ tục, tránh việc tống đạt bị kéo dài”.

Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động TPL trong thời gian qua trên tất cả mọi lĩnh vực như xây dựng thể chế pháp lý cơ bản cho TPL hoạt động; quán triệt tới cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ công chức; phối hợp tốt với Bộ, ngành, địa phương; lập Văn phòng TPL và bổ nhiệm các TPL cơ bản đạt chỉ tiêu so với kế hoạch; bồi dưỡng nghiệp vụ bước đầu được quan tâm...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của TPL như: thể chế bộc lộ nhiều vướng mắc, do đó việc lập vi bằng đúng thẩm quyền hay không, việc đăng ký tại Sở Tư pháp như thế nào, nếu sai trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết hậu quả pháp lý cho khách hàng thế nào... còn khó khăn. Việc xác minh điều kiện THA cũng tương tự, dù đã có Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn có hiện tượng khi xác minh tài khoản còn tiền mà công văn trả lời là đã hết tiền... Những vấn đề này, theo Bộ trưởng, khi xây dựng Luật TPL sẽ nghiên cứu để tháo gỡ.

Đồng tình với những nguyên nhân đã được chỉ ra trong báo cáo, song Bộ trưởng cũng lưu ý những việc phải làm từ nay đến khi sơ kết (cuối tháng 11/2014) cần tập trung, đó là: với những địa bàn thí điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức; TPL thành hay bại là do cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng Giám đốc các Sở Tư pháp cũng cần tăng cường công tác tham mưu; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra ngay trong Ban Chỉ đạo.

Với Tổng cục THADS, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường trách nhiệm, xem địa phương cần gì, khó ở đâu để tháo gỡ, hướng dẫn; Tổng cục phải phối hợp với Học viện Tư pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các cơ quan THADS từ Tổng cục đến các Chi cục phải chấn chỉnh nếu còn nhận thức lệch lạc, phải coi TPL là người bạn đồng hành trong công tác thi hành án. Đối với các ngành ở Trung ương cần tăng cường phối hợp. Còn bản thân các Văn phòng TPL, theo Bộ trưởng: “phải khẳng định vai trò, vị trí của mình”./.