Xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản

09/09/2014
Xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản
Sáng nay (09/9), Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chủ trì phiên họp xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (gọi tắt là dự thảo Nghị định). 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, dự thảo Nghị định đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng tập trung nguồn lực để xây dựng dự thảo Nghị định và dự kiến trình Chính phủ vào ngày 15/10 để Chính phủ thông qua cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Phá sản năm 2014.

Cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên có phải trải qua đào tạo?

Quản tài viên (QTV) là nghề đòi hỏi người thực hiện phải có sự am hiểu về pháp luật chung, về kiểm toán, kế toán, quản trị doanh nghiệp, bán đấu giá tài sản... Bàn về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau, muốn cấp chứng chỉ hành nghề phải trải qua khóa đào tạo. Ý kiến khác cho rằng, Điều 12 của Luật Phá sản quy định về điều kiện hành nghề QTV nhưng không yêu cầu phải trải qua đào tạo, do vậy, Dự thảo không nên quy định. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất “ngày 01/01/2015 Luật Phá sản có hiệu lực nhưng chưa có QTV nào, do vậy, trong giai đoạn đầu cần có đặc cách bằng hình thức thực hiện đăng ký QTV, sau một năm sẽ thực hiện đào tạo”. Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, Luật Phá sản không quy định về việc phải qua khóa đào tạo với được cấp chứng chỉ làm QTV thì dự thảo Nghị định không nên quy định. Tuy nhiên, đối với việc trang bị kiến thức thì cần phải có cả đào tạo và bồi dưỡng và được thực hiện thường xuyên để nâng cao năng lực thực hiện.

 
Về vấn đề này, ông Phil Smith, Giám đốc bộ phận tái cấu trúc, Công ty TNHH KPMG Việt Nam chia sẻ, ở một số nước như Úc, Hồng Kông, Anh, không có khóa đào tạo bắt buộc đối với QTV, QTV chỉ cần chứng minh được kinh nghiệm liên quan đến phá sản trong quá trình tham gia các vụ việc cụ thể sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề QTV. Theo ông, “cần phải có lộ trình để thực hiện việc này, ban đầu, có thể căn cứ trên kinh nghiệm kiến thức mà người muốn trở thành QTV có, sau này mới xây dựng nên khóa đào tạo QTV”

Không đồng nhất doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản với doanh nghiệp kinh doanh thông thường

Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản không “đồng nhất với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường”, do đó, phải xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Bộ xuống Sở trong các quy định liên quan đến việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xây dựng các văn bản hướng dẫn đối với các doanh nghiệp này, trong đó phải đề cập đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp được làm gì và không được làm gì. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không nên giao cho Uỷ ban nhân dân, mà phải là Bộ, ở cấp tỉnh, phải quy định rõ cơ quan tham mưu là Sở Tư pháp.  

   

Một số ý kiến cũng cho rằng, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản phải có QTV hoặc người đứng đầu phải là QTV – đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Ông Phil Smith chia sẻ, “ở một số nước, doanh nghiệp nộp đơn phá sản được chỉ định cá nhân làm QTV, nếu công ty được chỉ định làm QTV thì QTV của công ty đó sẽ là người thực hiện và nhận được những hỗ trợ cần thiết trong vai trò một QTV”.

Phí - không nên khoanh lại

Đối với vấn đề về phí cho QTV và doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản đối với một vụ việc phá sản, các ý kiến cho rằng, không nên khoanh lại hoặc giới hạn mức phí, “dự thảo Nghị định chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, còn lại để các hai bên tiếp tục thỏa thuận trên cơ sở nguyên tắc đã quy định. Phí dành cho QTV và doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản phải “mang tính chất thu hút và phù hợp đối với từng vụ việc đơn giản hay phức tạp”. 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm cụ thể hóa nội dung trong Luật Phá sản, các quy định bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật Phá sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan; các quy định về cấp, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề QTV đều bảo đảm nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính; Thứ trưởng cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, tuân thủ pháp luật và phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo Thứ trưởng, đối với vấn đề đào tạo nghề QTV, “nếu Điều 12 của Luật Phá sản không nói đến việc phải đào tạo mới được cấp chứng chỉ hành nghề, thì không cần phải qua lớp đào tạo, tuy nhiên hàng năm, QTV cần tham gia lớp bồi dưỡng để nâng cao năng lực". Thứ trưởng cũng yêu cầu, Cục Bổ trợ tư pháp tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định để bảo đảm nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính.