Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản

20/05/2014
Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản
Sáng ngày 20/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản với hình thức trực tuyến tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Yên Bái, Cần Thơ. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ và cơ quan có liên quan, đại diện các Sở Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 04/3/2010, Chính phủ đã thông qua và ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (BĐGTS) thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005. Việc triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 17) dưới sự tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của Bộ Tư pháp, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, sau gần 4 năm triển khai thi hành, Nghị định 17 đã thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy hoạt động BĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết về cơ bản việc triển khai Nghị định 17 đã được thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương, phát huy hiệu quả vai trò điều hành của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đối với công tác BĐGTS. Hoạt động BĐGTS nhận được sự chung tay, góp sức, phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành liên quan và đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

 

Một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định số 17 là đã xây dựng hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động BĐGTS phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động này, giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất từ các Hội đồng bán đấu giá sang cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Đồng thời, các loại tài sản bán đấu giá cũng được mở rộng: tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất; tài sản là hàng dự trữ quốc gia. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 17, hoạt động BĐGTS ở nước ta đã có những chuyển biến rõ rệt, số lượng đấu giá viên và tổ chức bán đấu giá tăng đáng kể, giá trị và loại tài sản bán đấu giá cũng tăng lên. Các tổ chức bán đấu giá đã bán được nhiều loại tài sản với giá trị rất lớn, trong đó có phần không nhỏ là tài sản nhà nước, góp phần hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước cho các cấp trong nhiều năm. Nhiều địa phương có nguồn thu khá lớn từ hoạt động BĐGTS như Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Cần Thơ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hồ Chí Minh… Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá đã góp phần tích cực trong việc thi hành án, thực hiện các giao dịch bảo đảm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bán đấu giá của các tổ chức, cá nhân.

 

 

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 17 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới, một số giải pháp đã được đưa ra tại Hội nghị như: tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BĐGTS; rà soát, đánh giá hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản, hệ thống pháp luật hiện hành về BĐGTS; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên; nghiên cứu xây dựng quy tắc đạo đức nghề đấu giá…

Các đại biểu tham dự về cơ bản nhất trí với những nội dung báo cáo đã nêu và được nghe nhiều tham luận về tình hình thực hiện Nghị định 17 tại các địa phương cũng như cơ chế tài chính đối với hoạt động BĐGTS, qua đó chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động này. Nội dung được các đại biểu thảo luận và đưa ra đề xuất, kiến nghị và nhận được giải trình tập trung vào việc: xác định giá khởi điểm và công tác chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm; quy định về bước giá; xử lý tiền đặt cọc và tài sản khi người trúng đấu giá không tiếp tục thực hiện việc mua tài sản; nơi niêm yết thông báo bán đấu giá tài sản; tiêu chuẩn của đấu giá viên…

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được trong 4 năm thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, đưa Nghị định thực sự đi vào cuộc sống. Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị đã có sự đánh giá toàn diện quá trình triển khai thi hành Nghị định trên cả nước, mặc dù có những khó khăn, vướng mắc nhưng cũng đã đưa ra được nhiều phương hướng giải pháp khắc phục để tiếp tục thực hiện, triển khai thi hành Nghị định 17. Các cơ quan ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò và có sự quan tâm cần thiết cho hoạt động BĐGTS. Các Hội đồng bán đấu giá thực hiện tốt nhiệm vụ của mình hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động BĐGTS, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, do đó Thứ trưởng đề nghị: các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức bán đấu giá tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định 17; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trong hoạt động bán đấu giá; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BĐGTS, có sự đầu tư thỏa đáng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện công tác quản lý; Tăng cường kiểm tra, thanh tra để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm để tháo gỡ, chấn chỉnh đưa hoạt động BĐGTS đi vào nề nếp; Xây dựng và thực hiện thường xuyên cơ chế thông tin, phối hợp quản lý giữa cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá ở Trung ương và địa phương; Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các Hội đấu giá ở một số thành phố  tại các thành phố lớn tiến tới thành lập hiệp hội đấu giá toàn quốc; phát huy cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên cùng các cơ quan tổ chức khác có liên quan.

 

 

Việc rà soát, hoàn thiện thể chế về đấu giá tài sản cần được tập trung thực hiện. Thứ trưởng giao Cục Bổ trợ tư pháp sớm nghiên cứu xây dựng Luật Đấu giá tài sản theo hướng quy định thống nhất về trình tự, thủ tục bán đấu giá đối với các loại tài sản và mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các loại tài sản nhà nước, tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản bán đấu giá, người mua tài sản bán đấu giá góp phần nâng cao hoạt động này.