Ban soạn thảo dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật họp cho ý kiến về định hướng xây dựng dự án Luật

06/03/2014
Ban soạn thảo dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật họp cho ý kiến về định hướng xây dựng dự án Luật
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo về một số định hướng lớn xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề tháng 3/2014, ngày 04/3, Ban soạn thảo dự án Luật đã họp để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo nêu trên. Cuộc họp do đồng chí Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng ban soạn thảo chủ trì.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu tham dự đã phát biểu ý kiến, tập trung vào một số vấn đề như những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành hai Luật; mục đích, yêu cầu và định hướng xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở hợp nhất hai Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành hai Luật, đa số các ý kiến đều cho rằng, tồn tại, hạn chế lớn nhất thể hiện ở hai điểm: (1) Số lượng văn bản quá nhiều, dẫn đến hệ thống pháp luật cồng kềnh, nhiều tầng nấc, khó tiếp cận; (2) Chất lượng văn bản còn hạn chế, tính ổn định chưa cao, còn phải sửa đổi, bổ sung nhiều. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế như đã nêu không phải là do tồn tại song song hai Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, trong đó có những nguyên nhân từ bản thân quy định của hai Luật, chẳng hạn như khái niệm về văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng một số tồn tại, hạn chế không phải xuất phát từ quy định của hai Luật mà xuất phát từ những nguyên nhân khác mà không thể xử lý được trong dự thảo Luật mới. Ví dụ: việc huy động sự tham gia của xã hội vào quá trình xây dựng văn bản còn hạn chế là do ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lấy ý kiến; ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia góp ý còn hạn chế, dẫn đến ý kiến góp ý mang tính hình thức, chiếu lệ; nhận thức, hiểu biết của người dân thấp…

 

 

Về mục đích, yêu cầu xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng cần tách bạch, làm rõ hơn nữa mục đích và yêu cầu. Cần xác định việc xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới là nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay của hai Luật. Luật mới sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần: nâng cao chất lượng văn bản, giảm số lượng văn bản được ban hành và bảo đảm tính pháp chế.

Liên quan đến một số định hướng lớn xây dựng dự án Luật được nêu trong dự thảo Báo cáo, cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc quy định cơ chế bảo hiến và án lệ trong Luật mới vì đây là hai vấn đề hết sức phức tạp. Đồng thời, các thành viên Ban soạn thảo đều nhất trí với việc cần thiết phải quy định về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục làm rõ hơn nữa nội hàm của khái niệm này trong Luật mới. Về tăng cường dân chủ trong xây dựng và thi hành pháp luật, đa số các ý kiến đều đề nghị quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình và phản hồi ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tổ chức việc lấy ý kiến thông qua hai đầu mối chính là Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 

 

Về việc đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường khi ban hành văn bản trái pháp luật, hiện vẫn còn nhiều loại ý kiến khác nhau. Đa số các đại biểu đều đề nghị không nên quy định vấn đề này trong dự án Luật mới.

Vấn đề được thảo luận nhiều nhất và còn nhiều quan điểm khác nhau là về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao. Đa số các ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ thẩm quyền ban hành của Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chủ tịch nước cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp như tổng động viên; công bố tình trạng khẩn cấp; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chủ tịch nước… Còn đối với Tòa án nhân dân tối cao thì trong cơ chế hiện nay, khi mà Ủy ban thường vụ Quốc hội ít giải thích luật, án lệ chưa được chính thức công nhận, nếu không quy định thẩm quyền ban hành văn bản của Tòa án nhân dân tối cao thì sẽ rất khó xử lý được các vấn đề thực tiễn.

 

 

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các thành viên Ban soạn thảo thống nhất cao là nên bỏ quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội và giữ lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Chương trình hàng năm sẽ được quy định quy trình xây dựng chính.

Theo Kế hoạch xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự án Luật này sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6/2014 và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2014.