Phiên họp lần thứ 4 Ban soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

24/02/2014
Phiên họp lần thứ 4 Ban soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng 21/02, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Ban soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đến dự và chủ trì cuộc họp.

Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004, cùng các văn bản hướng dẫn được ban hành và tổ chức thực hiện đã giúp việc xây dựng, ban hành VBQPPL được chuẩn hóa một bước và đi vào nền nếp; quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã được tuân thủ tương đối nghiêm túc. Sự ra đời của 2 luật này đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương về ý nghĩa và vai trò của công tác xây dựng pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng VBQPPL. Đến nay, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật tương đối đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tạo điều kiện, cơ sở trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện 2 luật cho thấy vẫn còn một số tồn tại hạn chế như hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, chồng chéo; tính đồng bộ chưa cao; một số VBQPPL khó áp dụng, tính khả thi thấp; tiến độ ban hành VBQPPL chưa đáp ứng yêu cầu; sự gắn kết giữa xây dựng và thi hành pháp luật còn thiếu.

 

 

Mục đích của việc ban hành Luật mới là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của 2 luật hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng văn bản, nhằm tạo ra một hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ, ổn định, khả thi, minh bạch, dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng, bảo đảm cho các văn bản pháp luật được thực hiện và tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh trên thực tế. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo các điều kiện tổ chức xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Báo cáo Ban soạn thảo về kết quả rà soát quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến thẩm quyền ban hành và hình thức VBQPPL, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sự giống nhau giữa Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 được thể hiện cụ thể qua quy định trực tiếp thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản của 06 chủ thể là Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng – Thủ trưởng  cơ quan ngang Bộ; quy định gián tiếp hình thức văn bản là “nghị quyết” của hai chủ thể Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quy định gián tiếp thẩm quyền ban hành văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng không quy định hình thức văn bản cụ thể, chỉ quy định chung là “văn bản”; quy định gián tiếp thẩm quyền ban hành văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh; không quy định “văn bản quy phạm pháp luật” (cả về hình thức và nội dung), mà chỉ quy định về tên gọi của các văn bản; không quy định thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản liên tịch; không quy định thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản của Tổng kiểm toán nhà nước và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

 

 

Bên cạnh đó, về thẩm quyền ban hành văn bản cả quy định trực tiếp và gián tiếp, Hiến pháp 2013 quy định số lượng chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản ít hơn 02 chủ thể so với Hiến pháp 1992. Về hình thức văn bản, Hiến pháp 2013 chỉ quy định cụ thể hình thức văn bản do 03 chủ thể ban hành là Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Trong khi đó, Hiến pháp 1992 lại quy định cụ thể hình thức văn bản của 12 chủ thể gồm: Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (3 cấp).

Cuộc họp đã nghe một số định hướng lớn xây dựng Luật mới để Ban soạn thảo trao đổi và đưa ra ý kiến như: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; Thẩm quyền lập pháp, ủy quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy; Sửa đổi, bổ sung một số quy định của 2 luật.

 

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý đây là xây dựng Luật mới, không phải đơn giản là sửa đổi, bổ sung nên báo cáo tổng kết cần phải nâng tầm hơn nữa. Khái niệm VBQPPL, nên chăng tiếp cận từ QPPL rồi mới đến văn bản, để làm rõ cơ sở xác định văn bản nào là VBQPPL. Dự thảo phải có bố cục, sơ bộ hình dung gồm 4 phần: Phần quy định chung, phần về quy trình xây dựng ban hành, phần về tổ chức thi hành, bao gồm những vấn đề về hiệu lực, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá tác động… phần về điều khoản thi hành. Đây là luật “cầm tay chỉ việc” nên phải rõ ràng cụ thể. Bộ trưởng đề nghị phải có các tài liệu kèm theo để báo cáo Chính phủ như: Báo cáo tổng kết, Báo cáo chi tiết rà soát những quy định của Hiến pháp…