Bộ trưởng Hà Hùng Cường dự hội nghị triển khai công tác Tư pháp Vĩnh Phúc: “Phải bảo đảm sự phát triển bền vững”

08/02/2010
Bộ trưởng Hà Hùng Cường dự hội nghị triển khai công tác Tư pháp Vĩnh Phúc: “Phải bảo đảm sự phát triển bền vững”
Tại hội nghị triển khai công tác Tư pháp của tỉnh Vĩnh Phúc ngày 05/02, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Phi đã dành phần lớn thời gian để nghe cơ sở thảo luận, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp.

Xây dựng ngành vững mạnh

Năm 2009, nhìn lại công tác tư pháp Vĩnh phúc đã có nhiều khởi sắc. Công tác văn bản được làm quyết liệt hơn, đi vào những việc khó giúp tỉnh giải quyết những vụ việc bức xúc của địa phương. Công tác thi hành án dân sự đạt tỷ lệ 91% về việc, gần 90% về tiền và làm giảm trên 18% án tồn đọng, các hợp đồng thuộc thẩm quyền cấp xã đã được chuyển giao cho tổ chức hành nghề công chứng, công tác tuyên truyền pháp luật tiếp tục hướng về cơ sở với các chuyến đi trợ giúp lưu động ngày càng dày đặc, tỷ lệ hòa giải thành được nâng cao.

Đặc biệt, để ngành Tư pháp ngày càng lớn mạnh, Vĩnh Phúc đã ưu tiên hàng đầu cho công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng ngành. Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hữu Thảo phấn khởi, Sở đã xây dựng đề án củng cố kiện toàn vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn…biên chế của Sở; đã điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cấp Phòng, cử 20 cán bộ, công chức đi học các lớp chuyên viên, cao cấp lý luận chính trị. Hiện toàn Sở có 17 thạc sỹ, khối Thi hành án dân sự đã thực hiện luân chuyển cán bộ có hiệu quả.

Không có thẩm định của Tư pháp, đề nghị không ban hành

Vui mừng về những kết quả trong công tác tư pháp, tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp cơ sở.

Trưởng phòng Kiểm tra văn bản Lê Thị Phương Hoa nêu hàng loạt khó khăn cả về chủ quan và khách quan. Ở Trung ương nhiều văn bản còn mâu thuẫn chồng chéo, nhất là đất đai, xây dựng…Ở địa phương, nhận thức của một số ngành, cấp chưa đầy đủ, công tác pháp chế chưa thực sự được chú trọng. Ngay tại cơ quan Tư pháp, số cán bộ làm công tác văn bản còn hạn chế, kinh phí ít. Bà Hoa đề nghị, Quốc hội sớm hợp nhất hai Luật văn bản (Luật ban hành VBQPPL của TW và của UBND, HĐND), thường xuyên tập huấn cho cán bộ làm công tác văn bản. “Đề nghị tỉnh không thông qua những văn bản không có thẩm định của Tư pháp”, bà Hoa kiên quyết.

Nói về công tác tư pháp cơ sở, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Tư pháp Vĩnh Tường kiến nghị, rất nhiều xã của huyện trên 13 ngàn dân nhưng chỉ có 1 cán bộ Tư pháp. Họ phải ngồi từ sáng đến tối, dành gần hết thời gian của một ngày làm việc cho chứng thực và hộ tịch, không còn thời gian cho các công việc khác.

Trong công tác giám định pháp y, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Nguyễn Hoài Nam bức xúc: Một công việc hết sức đặc thù, khó nhọc nhưng chế độ cho anh em quá thấp. Giám đốc Nam đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xem xét giải quyết vấn đề này. Ông Nam cũng kiến nghị, cần có Quy chế phối hợp giữa các ngành, vì hiện nay nhiều nơi, nhất là các bác sỹ trong bệnh viện thường tìm lý do thoái thác công việc. Tình trạng này không những gây khó cho Trung tâm mà quan trọng hơn nó làm chậm tiến độ giải quyết các vụ án của cơ quan chức năng.

Lắng nghe tất cả ý kiến của đại diện cơ sở, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ với những khó khăn của địa phương. Bộ trưởng đánh giá Tư pháp Vĩnh Phúc năm nay có nhiều khởi sắc, tuy nhiên cần có những bước đi bài bản hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng yêu cầu, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc phải chuẩn bị các điều kiện thật tốt, đặc biệt trong tổ chức cán bộ để triển khai có hiệu quả các Luật mới như Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Quốc tịch….Tư pháp cần tham mưu cho tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển đội ngũ luật sư. Con số 15 Luật sư chính thức, 3 tập sự là chưa đủ đối với tỉnh có nền kinh tế phát triển như Vĩnh Phúc, chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp “đừng tự ta đánh mất thị trường”, Bộ trưởng nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, Tư pháp phải đóng góp trong việc tổ chức Đại hội Đảng sắp tới, phải gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, là tấm gương tương xứng với sự phát triển đi lên của tỉnh.

Thu Hằng

Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phi: Tôi rất mừng vì năm vừa rồi luật sư đã tư vấn hơn cả ngàn vụ, rồi liên tục là những chuyến trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật tại cơ sở nhưng tôi muốn tư pháp phải đi nhiều hơn, phải sâu sát cơ sở xem dân cần gì, cái gì thiết thực với cuộc sống. Làm sao cắt giảm thủ tục hành chính để dân đến với nhà nước một cách gần nhất, nhanh nhất, đơn giản nhất….