Đoàn đàm phán liên ngành hiệp định tài trợ Dự án “Thích ứng biến đối khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh” từ ngày 5-6/12/2013 tại Rome, Ý

09/12/2013
Đoàn đàm phán liên ngành hiệp định tài trợ Dự án “Thích ứng biến đối khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh” từ ngày 5-6/12/2013 tại Rome, Ý
Thực hiện Quyết định số 2308/QĐ-TTg ngày 28/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho phép đàm phán Hiệp định tài trợ Dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng song Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh” do Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ, Đoàn đàm phán Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn và đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, lãnh đạo hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre đã tham gia đàm phán Hiệp định tài trợ cho Dự án tại Rome từ ngày 5-6/12/2013.

Hiệp định tài trợ bao gồm khoản viện trợ không hoàn lại và khoản vay ưu đãi của IFAD cho phía Việt Nam để thực hiện dự án thích ứng biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng song Cửu Long tại Bến Tre và Trà Vinh nhằm mục tiêu hỗ trợ các hộ nông dân trong việc sản xuất hiệu quả, xây dựng các công trình nhỏ (bờ đê bao nhỏ, cầu,...) nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện Việt Nam là địa điểm gánh chịu nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Sau hai ngày đàm phán tích cực, hiệu quả, hai bên đã thống nhất cơ bản nội dung của dự thảo Hiệp định tài trợ, đại diện hai bên đã ký tắt vào dự thảo Hiệp định và biên bản ghi nhớ, các bên sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục cần thiết để Hiệp định có hiệu lực theo quy định của IFAD và pháp luật Việt Nam. Cùng với dự án này, IFAD tiếp tục khẳng định hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu hoạt động của Quỹ cũng như nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là khu vực nghèo và cận nghèo của Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về IFAD, bài viết xin giới thiệu một số thông tin về IFAD và quá trình hợp tác của tổ chức này với Việt Nam trong thời gian qua.

Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp có tên tiếng Anh là International Fund for Agriculture Development (IFAD) là một tổ chức thuộc Liên hợp quốc (LHQ). Hiệp định thành lập Quỹ được thông qua ngày 13/6/1976 và ký ngày 20/12/1976 khi nhận được cam kết ban đầu là 1 tỷ USD. Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 30/11/1977. Quỹ có trụ sở chính đặt tại Rome, Italia. Hiện nay Quỹ có 161 thành viên và Việt Nam là một thành viên của Quỹ này.

Mục tiêu chủ yếu của IFAD là huy động các nguồn vốn để tăng sản xuất lương thực và dinh dưỡng cho các nhóm có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển. Quỹ tập trung hỗ trợ phát triển của những cộng đồng nghèo ở nông thôn, đặc biệt là những người nông dân, người không có ruộng đất, ngư dân, người chăn nuôi, phụ nữ nghèo, cũng như quan tâm đến những cách tiếp cận tiên tiến được xây dựng trên cơ sở tham gia của địa phưong và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

IFAD cho vay với điều kiện ưu đãi và bắt đầu thực hiện 100%  các dự án hỗ trợ của mình với hình thức đồng tài trợ với các tổ chức tài chính và phát triển khác như Ngân hàng thế giới (WB), Hiệp hội Phát triển  quốc tế (IDA) và các ngân hàng phát triển khác.

Việt Nam là thành viên của tổ chức IFAD, thuộc nhóm các nước đang phát triển có đóng góp nhưng nhận viện trợ là chủ yếu. IFAD bắt đầu hỗ trợ cho Việt Nam từ năm 1991. Theo đó, Việt Nam được vay vốn với điều kiện ưu đãi: lãi suất 0,75-1%/ năm, trả trong 40-50 năm, thời gian ân hạn là 10 năm. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của tổ chức  IFAD tại Việt Nam bao gồm tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân, phụ nữ nghèo. Hỗ trợ cho một số tỉnh nghèo và có nhiều đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.

Văn phòng Đại diện của IFAD tại Việt Nam vừa được chính thức thành lập (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 76/TTg-QHQT, ngày 15/01/2008 và Hiệp định giữa Chính phủ VN và IFAD về lập VP Đại diện cũng đã được ký trong dịp Chủ tịch IFAD sang thăm và làm việc tại VN vào tháng 01/2008). Mục tiêu chính của VPĐD là nhằm tăng cường tính hiệu quả của Chương trình quốc gia hợp tác với IFAD thông qua: 1) tham gia đối thoại chính sách với Chính phủ và các nhà tài trợ khác để hình thành một môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững vì người nghèo; 2) Hỗ trợ cho việc quản lý và thực hiện hiệu quả các dự án IFAD tại Việt Nam;

Qua nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, phía Việt Nam rất quan tâm và đánh giá cao nguồn vốn vay của IFAD với những điều kiện ưu đãi cao và lãi suất thấp. Cách tiếp cận của các dự án IFAD tại Việt Nam là phát triển nông nghiệp và nông thôn một cách toàn diện, với mục tiêu là nhằm tăng sản xuất lương thực, dinh dưỡng góp phần cho chương trình xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, IFAD luôn đi đầu trong việc đưa ra những sáng kiến và mô hình mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn như các dự án đã có trước đây: phân cấp (dự án Quảng Bình và Hà Giang), phát triển nhóm cộng đồng (ở Tuyên Quang), phát triển thị trường (dự án ở Trà Vinh và Hà Tĩnh và dự án ở Bến Tre và Cao Bằng). Những mô hình này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam, nhằm hỗ trợ trực tiếp tới người nghèo.

Về xu hướng hoạt động của IFAD tại Việt Nam. Trước đây, IFAD chỉ hỗ trợ vốn vay mà không cung cấp vốn hỗ trợ kỹ thuật (TA). Từ năm 2003 IFAD bắt đầu xem xét việc cung cấp vốn TA cho các khoản vốn vay, tính bình quân trên toàn cầu bằng khoảng 10% trị giá vốn vay. Do vậy, trong quá trình xây dựng dự án đề nghị IFAD quan tâm hỗ trợ nguồn này để việc sử dụng vốn vay được hiệu quả hơn. Đồng thời, các cơ quan Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với IFAD để vận động nguồn vốn TA từ các nhà tài trợ khác giúp cho việc tăng cường năng lực cán bộ các cấp thực hiện hiệu quả các dự án sử dụng vốn vay của IFAD.

Cho tới nay, các dự án của IFAD tại Việt Nam đều được các cơ quan Chính phủ và các địa phương tiếp nhận dự án đánh giá cao, thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ và giải ngân cao (100% vốn vay). Các kết quả dự án đã góp phần tích cực vào chương trình xoá đói giảm nghèo và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung. Cần có hình thức phổ biến và chia sẻ rộng rãi hơn các kết quả, mô hình và kinh nghiệm đạt được của các dự án đã kết thúc thành công.

Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp