Khảo sát thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự

08/11/2012
Khảo sát thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự
Từ ngày 22/10 đến hết ngày 10/11/2012, ba đoàn khảo sát liên ngành do Bộ Tư pháp thành lập với thành phần gồm đại diện các đơn vị hữu quan của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành khảo sát thực tiễn 11 năm thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) tại 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Nam Định, Hà Nội, Sơn La, Thừa thiên – Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang).

Tại mỗi địa phương, đoàn khảo sát có một buổi làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và hai buổi làm việc với hai UBND quận, huyện. Thành phần tham gia các buổi làm việc gồm có đại diện các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Tư pháp, Đoàn Luật sư, cơ quan thi hành án dân sự, Trung tâm trợ giúp pháp lý, Mặt trận TQ, Đoàn thanh niên, Phụ nữ). Nội dung khảo sát tập trung vào việc tìm hiểu tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn; những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng BLHS tại địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề xuất, kiến nghị  sửa đổi, bổ sung BLHS.

 

Tại các buổi làm việc, đại diện cơ quan tiến hành tố tụng đã nêu những bất cập, khó khăn, vướng mắc thường gặp trong quá trình vận dụng các quy định của BLHS, trong đó, nổi lên là việc BLHS chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên không thể xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng về môi trường, trốn thuế, một số vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán … do pháp nhân thực hiện. Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định các mức độ hậu quả, các mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội danh cũng là vấn đề được các địa phương thường xuyên đặt ra. Chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau giữa các địa phương nơi tiến hành khảo sát. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp cũng có những bất cập, hạn chế dẫn đến có những cách hiểu khác nhau trong quá trình vận dụng các quy định của BLHS vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Kết quả thu được qua đợt khảo sát thực sẽ là nguồn tư liệu quan trọng giúp Ban Soạn thảo và Tổ biên tập BLHS (sửa đổi) có thêm cơ sở thực tiễn để đưa ra những định hướng, nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung BLHS.

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính