Bộ Tư pháp gặp mặt thân mật ĐBQH đã và đang công tác trong ngành Tư pháp

30/10/2012
Bộ Tư pháp gặp mặt thân mật ĐBQH đã và đang công tác trong ngành Tư pháp
Tối 29/10, Bộ Tư pháp tổ chức gặp mặt thân mật các ĐBQH đã và đang công tác trong ngành Tư pháp nhân dịp kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Đây là hoạt động được Bộ Tư pháp tổ chức thường xuyên mỗi kỳ họp Quốc hội nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau giữa Bộ Tư pháp và các ĐBQH, nhất là những ĐBQH đã và đang công tác trong ngành Tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng, Nguyễn Đức Chính, Lê Hồng Sơn, Lê Thành Long, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Tổng cục THADS, các Vụ Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp, PBGDPL, Hợp tác quốc tế, Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bồi thường nhà nước, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sinh cùng các ĐBQH khóa XIII đã và đang công tác trong ngành Tư pháp đã tham dự buổi gặp mặt.

Thay mặt Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng chào đón và mong các ĐBQH sẽ tích cực đóng góp cho thành công của kỳ họp được đánh giá là “một trong nhiều kỳ họp quan trọng của Quốc hội khóa XIII vì diễn ra sau Hội nghị TƯ 6, có nhiều công việc trực tiếp và gián tiếp liên quan đến công tác ngành Tư pháp”.

Thông báo đến các ĐBQH về một số hoạt động chính của Bộ Tư pháp từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đến nay, Bộ trưởng lưu ý đến vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống cơ quan THADS trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, về xét miễn giảm THA, kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại, tình hình triển khai thực hiện các Luật Lý lịch Tư pháp, Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Phổ biến giáo dục pháp luật, Giám định Tư pháp, Xử lý vi phạm hành chính, Tương trợ tư pháp, cũng như tình hình xây dựng các dự thảo (đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4) Luật Thủ đô, Luật Luật sư (sửa đổi), Luật Hòa giải ở cơ sở và việc sửa đổi Hiến pháp 1992, việc sửa đổi Luật Đất đai với các vấn đề liên quan đến công tác tư pháp là bán đấu giá quyền sử dụng đất, công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất…

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị các ĐBQH “với tình cảm, trách nhiệm với Ngành tiếp tục quan tâm giúp Bộ, ngành Tư pháp triển khai tốt các nhiệm vụ được giao”. Đặc biệt, tích cực đóng góp trí tuệ trong việc xây dựng các dự án Luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp soạn thảo, đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Giám định Tư pháp, Xử lý vi phạm hành chính) và các Luật THADS, Lý lịch Tư pháp, Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đề nghị HĐND và UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện các Luật vừa được Quốc hội thông qua, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác văn bản, đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật, đưa công tác tư pháp vào cuộc sâu hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương; quan tâm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho các cơ quan tư pháp để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác kiểm sát, giám sát việc phân loại án có điều kiện thi hành tại địa phương, phối hợp công tác THADS, tạo điều kiện cho các cơ quan THADS thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.


Cục Công nghệ thông tin