Tọa đàm “Đánh giá tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại thành phố Hà Nội

22/10/2012
Tọa đàm “Đánh giá tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại thành phố Hà Nội
Thực hiện Kế hoạch sơ kết 03 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ngày 12/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Đánh giá tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại thành phố Hà /Nội. Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ dự và chủ trì tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Tài Chính, Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Thông tin và truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và môt số Sở, ngành của Thành phố Hà Nội.

Đánh giá tình hình 03 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) tại Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ nhấn mạnh việc ban hành Luật có ý nghĩa to lớn đối với đời sống pháp lý của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Sau gần 03 năm được ban hành, Luật TNBTCNN đã được sự quan tâm của các Bộ, ngành, đặc biệt là ngành Tòa án và Kiểm sát; các địa phương trên cả nước,

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu đã đánh giá cao việc ban hành Luật TNBTCNN. Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền cá nhân, tổ chức được nhà nước bồi thường khi bị người thi hành công vụ gây thiệt hại trong quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, từ đó từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước của các cơ quan công quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

 

 

Bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cũng phản ánh về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong qua trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Luật và các văn bản hướng dẫn như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành về giải quyết bồi thường trong các lĩnh vực khác nhau chưa được đồng bộ và vẫn còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn công tác giải quyết yêu cầu bồi thường; - Chưa có cơ chế để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành trong quá trình giải quyết bồi thường nên phát sinh vụ việc liên quan nhiều cơ quan sẽ phát sinh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm;  Việc bố trí biên chế làm công tác bồi thường của Nhà nước tại các Bộ, các Sở, ngành hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn…

Để khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả triển khai thi hành Luật TNBTCNN trong thời gian tới, các đại biểu cũng đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:  Hoàn thiện pháp luật về bồi thường nhà nước; tăng cường, thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về bồi thường để góp phần thúc đẩu hoạt động giải quyết bồi thường; bổ sung một số các quy định của Luật nhằm đổi mới cơ chế bồi thường theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về Luật TNBTCNN để các cá nhân, tổ chức tiếp cận và nắm rõ các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước, từ đó có ý thức trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trên cơ sở các kiến nghị, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước ta hiện nay.

Đỗ Việt Anh – Cục Bồi thường nhà nước