Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế; chức năng, nhiệm vụ của Ngành Tư pháp ngày càng được tăng cường, mở rộng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức trong toàn ngành; trong đó phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của nữ công chức là hết sức quan trọng. Tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Ngành Tư pháp vừa là một nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, vừa là trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, đồng thời đòi hỏi đội ngũ nữ công chức cần cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn, khắc phục tâm lý tự ti, mặc cảm không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tự khẳng định mình trước tập thể cũng như trước xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong 05 năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Sở Tư pháp luôn quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ phù hợp năng lực và sở trường, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ theo từng giai đoạn, thời kỳ. Bên cạnh đó luôn tạo điều kiện thuận lợi, hợp lý nhất để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Hiện này ở Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam có 01/05 đồng chí nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ; 03/10 đồng chí nữ trong Chi uỷ. Ngoài ra, công tác quy hoạch cán bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác cán bộ, trong 05 năm Sở đã đưa vào diện quy hoạch 16/30 đồng chí cán bộ nữ đạt 53,33%.
Hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Sở Tư pháp Hà Nam tham mưu cho lãnh đạo cần quan tâm đến lực lượng lao động nữ, đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác chuyên môn cũng như các công tác xã hội. Những công chức nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bằng nam giới đều được ưu tiên lựa chọn trong việc tuyển dụng, công chức nữ được quan tâm sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với khả năng, hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có cơ hội phát triển và có điều kiện cho việc chăm sóc gia đình. Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ công tác tư pháp, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp Hà Nam đã tham mưu cho lãnh đạo ngành xây dựng và thực hiện các chính sách tạo việc làm đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ công chức nữ. Tất cả cán bộ nữ được bố trí sắp xếp công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, có chính sách khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ công chức nữ; đảm bảo 100% số cán bộ công chức nữ có đời sống vật chất, tinh thần ổn định.
Xác định giáo dục, đào tạo là thước đo của sự phát triển, việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy sự tiến bộ phụ nữ và phát huy tối đa khả năng của nữ giới trong hoạt động chuyên môn cũng như trong công tác xã hội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp đã tham mưu cho cấp lãnh đạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nữ trên cơ sở quy hoạch đã được thông qua; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nữ để bổ sung vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo. Trong 05 năm, đã cử 87/160 lượt đạt 54,37% cán bộ, công chức, viên chức nữ đi đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thạc sỹ, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh... Ngoài việc chú trọng đến phát triển toàn diện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ nữ ngành Tư pháp còn thường xuyên được nâng cao nhận thức và hiểu biết về kiến thức xã hội, tham gia các hoạt động phong trào, giao lưu với các đơn vị bạn như: thể dục thể thao, phong trào văn nghệ, nữ công... tạo thành khí thế thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ công chức nữ toàn ngành.
Cùng với đó, hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp giám sát và đề xuất với thủ trưởng cơ quan trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức nữ thường xuyên được quan tâm và thực hiện tốt như: chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, đối với cán bộ công chức nữ mang thai đều được tạo điều kiện khám thai định kỳ đảm bảo an toàn... Việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ phụ nữ thực hiện có hiệu quả, tình hình sức khoẻ của cán bộ nữ được cải thiện rõ rệt.
Trong Công tác tuyên truyền giáo dục, ngay từ đầu năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Ngành Tư pháp tổ chức quán triệt Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các nghị định hướng dẫn thi hành, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới trong công tác tư pháp cho công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch hành động của đơn vị trên cơ sở kế hoạch hành động chung của toàn ngành nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch hành động. Với đội ngũ chuyên viên, cộng tác viên chiếm 50% là nữ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động mà đối tượng hướng tới chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với tổng số 1000 vụ việc và cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ là 75 vụ. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; Đài phát thanh truyền hình, Báo Hà Nam, tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đặc biệt đến quyền lợi của phụ nữ
Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh công tác bình đẳng giới của Sở Tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đến công tác phong trào, chăm lo quyền lợi chính đáng của phụ nữ./.
Cẩm Tú