Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015

06/11/2015
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015
Thiết thực Hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015, ngày 6/11, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Diễn đàn “Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương tìm hiểu dự thảo Luật tiếp cận thông tin”.  Các đồng chí: Trần Hữu, Phó Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; Phan Hồng Nguyên, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Khối; các Bí thư, Phó Bí thư, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trực thuộc Đoàn Khối và Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp; đoàn viên Trường Đại học Luật Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Trần Hữu, Phó Bí thư Đoàn Khối nhấn mạnh: Diễn đàn là hoạt động thiết thực của đoàn viên, thanh niên Khối hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2015. Qua Diễn đàn này nhằm tiếp tục nâng cao hiểu biết pháp luật của đoàn viên, thanh niên trong Khối; đồng thời khẳng định vai trò xung kích, trí tuệ của tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương trong việc tham gia xây dựng pháp luật. Năm 2015, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tích cực phát động, hưởng ứng Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, trong đó riêng Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp có 700 đoàn viên có bài dự thi.

 

 

Tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã thông tin về mục tiêu, quan điểm và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật tiếp cận thông tin tới các đại biểu tham dự.

Quyền tiếp cận thông tin là quyền hiến định được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin được tiếp tục khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển và Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường. Hiến pháp năm 2013 quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện và hạn chế quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin.

 

 

Dự thảo Luật tiếp cận thông tin gồm 7 Chương, 33 Điều quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Dự thảo Luật điều chỉnh việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.

Tại Diễn đàn, có 09 đại biểu phát biểu tập trung về 3 nhóm vấn đề của Dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; về thông tin mà cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp; về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Nga – Chi đoàn Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật: trong quá trình hoạt động, cơ quan nhà nước thường nắm giữ hai loại thông tin, đó là, thông tin do chính cơ quan mình tạo ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thông tin mà cơ quan khác gửi cho trong quá trình phối hợp hoạt động. Vì vậy Dự thảo Luật cần đưa ra khái niệm chính xác về thông tin và xác định rõ các thông tin mà các cơ quan tạo ra. 

Trình bày tham luận về thực trạng quyền tiếp cận thông tin hiện nay, Đại diện Chi đoàn Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: thông tin mà công dân có nhu cầu tiếp cận bao gồm các thông tin từ phía cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay tổ chức nào trong việc cung cấp, công khai thông tin cho người dân.

 

 

Đại biểu Phạm Văn Huấn, Chi đoàn Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nêu ý kiến: nội dung của Dự thảo Luật cơ bản tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật còn chung chung; quy định cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin như Điều 6 dự thảo Luật là chưa phù hợp với thực tiễn và chưa tạo thuận lợi cho người dân. Vì vậy, đề nghị quy định lại theo hướng cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc thông tin chính thống do cơ quan khác tạo ra trong lĩnh vực quản lý của mình.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của đoàn viên, thanh niên tại Diễn đàn. Qua Diễn đàn, đồng chí đề nghị, mỗi đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật đưa Luật vào cuộc sống khi được thông qua. Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ được Ban Tổ chức gửi về Ban soạn thảo dự án Luật để tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật. 


Ảnh Cục CNTT