Hội thảo về nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

10/10/2014
Hội thảo về nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, với sự hỗ trợ của dự án "Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện" (GIG) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, ngày 8 tháng 10 năm 2014, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp tổ chức Hội thảo về nguyên tắc, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (VĐBĐG) trong xây dựng VBQPPL.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành và địa phương (Sở Tư pháp và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đại diện cho các tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam) và một số tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu về giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật ban hành VBQPPL được xây dựng trên cơ sở hợp nhất giữa Luật ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004. Dự thảo Luật đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quy trình lồng ghép VĐBĐG phù hợp hơn với các quy định của Luật Bình đẳng giới, cụ thể như quy định về hồ sơ gửi thẩm định có Báo cáo về việc lồng ghép VĐBĐG, trách nhiệm đánh giá việc lồng ghép VĐBĐG của cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra... Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng VBQPPL.

   

Từ thực tiễn lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng VBQPPL trong thời gian qua (từ sau khi có Luật bình đẳng giới năm 2006 và Luật ban hành VBQPPL năm 2008) và hướng đến mục tiêu hoàn thiện các quy định lồng ghép VĐBĐG trong dự án Luật ban hành VBQPPL để tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện lồng ghép VĐBĐG trong cả hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất với Luật Bình đẳng giới, các đại biểu đã có nhất trí cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nhiều nội dung về nguyên tắc, quy trình lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng VBQPPL.

Các đề xuất tập trung vào việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; mở rộng phạm vi thực hiện lồng ghép VĐBĐG đối với tất cả các VBQPPL; bổ sung quy định lồng ghép VĐBĐG (nội dung và hồ sơ) trong giai đoạn đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH, nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân để thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của luật, đề nghị bổ sung lấy ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ và ý kiến thẩm định văn bản của cơ quan LĐTBXH đối với các  chính sách BĐG trong dự thảo VBQPPL; bảo đảm lấy ý kiến các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các nhóm yếu thế trong xã hội là đối tượng chịu sự tác động của văn bản QPPL trong quy định chung về lấy ý kiến nhân dân…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đại diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp – ông Lê Tiến Châu đã đánh giá cao sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đại biểu. Với vai trò là tổ chức tham mưu, giúp Bộ trưởng triển khai hoạt động bình đẳng giới trong Ngành Tư pháp, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp sẽ ghi nhận, tổng hợp các đề xuất đã được đưa ra tại Hội thảo để gửi Ban soạn thảo dự thảo Luật Ban hành VBQPPL.

                              Trần Thu Hường – Vụ Tổ chức cán bộ