Cần tăng cường gửi phiếu thẩm tra đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

21/05/2014

Yêu cầu về báo cáo trung thực lý lịch của người vào Đảng được quy định tại Điều 4 Thủ tục kết nạp Đảng viên, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 29 tháng 12 năm 2006, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Văn bản số 03-HD/BTCTW Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng trong đó quy định cụ thể công tác thẩm tra lý lịch của người vào Đảng. Theo đó, đối với người vào Đảng, phải làm rõ những vấn đề lịch sử chính trị và chính trị hiện nay, về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Đối với người thân, phải làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Văn bản số 03-HD/BTCTW cũng đã quy định cụ thể những trường hợp cần thẩm tra hoặc không cần thẩm tra xác minh (điểm c mục 4 Văn bản về Phương pháp thẩm tra), đồng thời quy định rõ phương thức thẩm tra thông qua các quy định về (1) Trách nhiệm của Chi bộ và cấp ủy cơ sở có người vào Đảng và (2) Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch. Cụ thể như sau:

(1) Trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở có người vào Đảng: Cử đảng viên đi thẩm tra hoặc gửi phiếu thẩm tra đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra.

(2) Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch: Chỉ đạo chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch hoặc phiếu thẩm tra, báo cáo cấp ủy cơ sở. Cấp ủy cơ sở thẩm định, ghi rõ nội dung xác nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch hoặc phiếu thẩm tra gửi cho cấp ủy cơ sở có yêu cầu; nếu gửi phiếu thẩm tra theo đường công văn thì không để chậm quá 30 ngày kể từ khi nhận được phiếu yêu cầu thẩm tra lý lịch.

Như vậy, việc gửi phiếu thẩm tra đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra là một phương thức "ủy thác" quan trọng, phù hợp trong cơ chế hoạt động của bộ máy Đảng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các cấp ủy cơ sở đang chủ yếu thực hiện việc thẩm tra theo phương thức cử đảng viên trực tiếp đi thẩm tra, xác minh, kể cả thẩm tra tại các địa phương có khoảng cách giao thông khá xa Hà Nội như Hà Tĩnh, Sơn La, Thái Bình...mà chưa thực sự quan tâm, sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả phương thức gửi phiếu thẩm tra đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra, từ đó đã làm phát sinh các chi phí có thể tiết kiệm được như chi phí xe ô tô phục vụ công tác thẩm tra, chế độ công tác phí... cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian làm việc của công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị. Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ và triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên để dành các nguồn lực ưu tiên cho các nhiệm vụ an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trong thời gian tới, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có sự cân nhắc, nghiên cứu, chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức, cơ sở Đảng rà soát, phân loại kỹ các trường hợp hồ sơ, lý lịch của người được xem xét, kết nạp đảng viên phải thẩm tra hoặc không phải thẩm tra xác minh theo quy định, đồng thời chỉ đạo, quán triệt việc tăng cường gửi phiếu thẩm tra đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm thẩm tra để từng bước thay thế phương thức cử đảng viên trực tiếp đi thẩm tra. Việc cử đảng viên trực tiếp đi thẩm tra chỉ được thực hiện trong trường hợp hồ sơ lý lịch có vấn đề và Đảng ủy có ý kiến cần cử đảng viên trực tiếp tiến hành thẩm tra./.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp