Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW

25/07/2013
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW
Sáng 25/7, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49). Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng – Thành viên Ban Cán sự, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng đại diện một số cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương. Đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo cũng tới dự Hội nghị.

Hội nghị đã được nghe báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49 và các báo cáo chuyên đề về thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Báo cáo về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49 cho thấy, trong hơn 8 năm qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được phân công, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng nhận thấy những hạn chế, yếu kém nhất định trong quá trình triển khai Nghị quyết số 49 như: thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, công tác THADS vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do Ngành tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, các chức danh tư pháp vẫn còn nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về quan điểm và phối hợp hành động thực tế giữa các Ngành, ngay cả khi các chủ trương đã được đa số các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương bỏ phiếu tán thành...

 

 

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, TANDTC, VKSNDTC, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Hội luật gia Việt Nam, Sở Tư pháp TP.HCM, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc...  cũng có nhiều góp ý cụ thể vào những hoạt động triển khai NQ 49 của Bộ, ngành Tư pháp, tập trung vào những vướng mắc, hạn chế trong công tác THADS, xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, mối quan hệ giữa công tác THADS và tòa án, thí điểm thừa phát lại, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tư pháp nói riêng và cán bộ pháp luật, cán bộ có chức danh tư pháp nói chung...

 

 

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng – Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Hùng Cường nhận định: quá trình cải cách tư pháp của đất nước cũng chính là quá trình tự cải cách đầy khó khăn, trăn trở nhưng mạnh mẽ và kiên trì của mỗi cơ quan và cả ngành Tư pháp trong tư duy và hành động, đặc biệt là việc tự cải cách những thể chế cũ trong các hoạt động bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. Đây cũng là những thách thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đề án cải cách liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp với các thẩm quyền đan xen. Bộ trưởng khẳng định: với trách nhiệm của mình, các cán bộ, công chức ngành Tư pháp từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều cố gắng, vượt qua rất nhiêu thách thức khó khăn để triển khai ở mức tốt nhất trong khả năng, thẩm quyền của mình, từ đó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

 

Trên cơ sở những kinh nghiệm và bài học rút ra từ thực tiễn 8 năm triển khai Nghị quyết 49, trong bối cảnh Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng công cuộc cải cách tư pháp nói chung, Bộ, ngành Tư pháp nói riêng cần nhận diện rõ ràng và sâu sắc những cơ hội cùng thách thức mới, đòi hỏi sự cố gắng, tận tụy, dành nhiều thời gian hơn nữa để thực hiện những định hướng cải cách tiếp theo. Trong đó, cần thống nhất nhận thức rằng chủ trương, quan điểm của Đảng, Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết số 49 là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự sáng suốt của Đảng ta nói chung và Bộ Chính trị nói riêng, tạo cơ hội lớn cho công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

 

 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Với mọi sự khiêm tốn, ngành Tư pháp có thể tự hào báo cáo với Đảng, Chính phủ,Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Chính trị và nhân dân đã thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm những nhiệm vụ được giao trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Bộ trưởng tin tưởng rằng Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục là thành tố tích cực cùng với sự các Bộ, ngành, địa phương góp phần hoàn thành các nhiệm vụ cảu cải cách tư pháp, qua đó góp phần làm cho pháp luật đất nước ngày càng dân chủ, minh bạch hơn, tư pháp ngày càng trong sạch, công minh và pháp quyền hơn, thật sự là chỗ dựa và là nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân.