Ngành Tư pháp: Đưa việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thành một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên

15/01/2013
Ngày 15/01, Bộ phận giúp việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp” giai đoạn 2012-2015 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Ông Trần Văn Quảng, Ủy viên Ban Cán sự, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng Bộ phận giúp việc cho biết: “Mục đích của Kế hoạch triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp là đảm bảo nhận thức thống nhất, đầy đủ và sâu sắc của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các đơn vị về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chuẩn mực đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tư pháp. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng và rèn luyện trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp, đưa việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức thành quyết tâm, hành động, việc làm cụ thể, thường xuyên của từng cá nhân, đơn vị. Bảo đảm Chuẩn mực đạo đức thực sự là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp”.

Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2012-2015, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chuẩn mực đạo đức qua các hình thức như tuyên truyền Chuẩn mực đạo đức trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết kế, in ấn bản Chuẩn mực đạo đức; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về thực hiện Chuẩn mực đạo đức; xây dựng tài liệu tuyên truyền. Đồng thời, triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức trong từng lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp qua việc xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực đạo đức đối với các đơn vị thuộc ngành Tư pháp; đưa việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức thành một nội dung sinh hoạt thường xuyên của các đảng bộ, chi bộ và các tổ chức, đơn vị thuộc ngành Tư pháp; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức; kiểm tra, giám sát công tác thực hiện Chuẩn mực đạo đức; bố trí các nguồn lực để thực hiện thành công các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

Ông Trần Văn Quảng nhấn mạnh, theo yêu cầu của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, việc triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức phải đảm bảo nghiêm túc, thực chất, đi vào chiều sâu và có ý nghĩa thiết thực. Các giải pháp thực hiện Chuẩn mực đạo đức phải đồng bộ, hiệu quả, toàn diện và khả thi. Kiên trì gắn việc thực hiện Chuẩn mực đạo đức với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Việc triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy Đảng và thủ trưởng các đơn vị trong quá trình triển khai Chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực công tác của tổ chức, đơn vị do mình phụ trách.

Bắt đầu từ năm 2013, kết quả thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp sẽ được đưa vào là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hàng năm.

Hồng Thúy