Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Tất Thành rất thích câu thơ của Viên Mai: “Khuya sớm những mong ghi sử sách/ Lập thân hèn nhát ấy văn chương” bởi câu thơ khêu gợi ở Người lòng ham muốn hành động, những hành động thực sự ích nước, lợi dân. Sau này Người có kể lại: Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp tự do, bình đẳng, bác ái… Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Với quyết tâm ấy, ngày 5-6-1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Năm 1919, ngọn lửa công lý đã được nhen nhom và bừng cháy trong trái tim người cộng sản Nguyễn Ái Quốc với bản “Việt Nam yêu cầu ca”, một tác phẩm đầy ắp khát vọng về những giá trị công lý dành cho Nhân dân Việt Nam: “Cậy rằng các nước Đồng minh/Đem gương công lý giết hình dã man”, “Những tòa đặc biệt bất công/Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành”, “Hòa bình may gặp hội này/Tôn sùng công lý, đọa đày dã man”.
Trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian từ 29/8/1942 đến 10/9/1943 là một trong những giai đoạn khó khăn nhất khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ. Trong tù, Người đã viết “Nhật ký trong tù” với 133 bài. Vấn thoại (Hỏi cung) là bài thứ 10 trong tập thơ được viết với tinh thần lạc quan, trào phúng và hóm hỉnh. Nội dung của bài thơ miêu tả vị quan tòa tính không lành mà nói là tính lành, không giả bộ ác mà nói là giả bộ ác, muốn khép tội người mà vờ giả ý ân cần, do tính tráo trở đó, Người kết luận, ở giữa hai cực quan tòa và phạm nhân phải có thần công lý để xét xử:
Hai cực của xã hội:
Quan tòa với phạm nhân.
Quan rằng “Anh có tội!”
Phạm thưa: “Tôi lương dân!”
Quan rằng: “Anh nói dối!”
Phạm thưa: “Thực trăm phần!”
Quan tòa vốn tính thiện,
Giả bộ ác vô ngần!
Muốn khép người vào tội,
Lại tỏ ý ân cần,
Tại giữa hai cực đó,
Công lý đứng làm thần!
Cũng trong thời gian bị giam giữ, khi bị giải khắp mười ba huyện tỉnh Quảng Tây, phải ở qua 18 nhà lao, rồi đến Phòng chính trị chiến khu IV đóng tại Liễu Tây, một trung tâm chỉ huy quân sự của chính quyền Trung Hoa dân quốc lúc bấy giờ, Người cũng đã quắc mắt chất vấn công lý và lẽ phải với bài “Đến Cục Chính trị chiến khu IV”:
Quảng Tây giải khắp mười ba huyện,
Mười tám phòng giam đã ở qua.
Phạm tội gì đây? Ta tự hỏi
Tội trung với nước, với dân à?
Cho đến ngày hôm nay, những câu thơ này vẫn luôn chất chứa và có ý nghĩa giáo dục thật thấm thía và sâu sắc đối với các thế hệ công chức trẻ, nhắc nhở họ phải không ngừng xây dựng và trau dồi lập trường, bản lĩnh. Người ta hoàn toàn có thể không để mình trở thành những kẻ cơ hội, bon chen, không dám đấu tranh cho lẽ phải, lẽ công bằng việc tự vấn lương tâm mình trên cơ sở lợi ích của Nhân dân: Phạm tội gì đây? Ta tự hỏi/Tội trung với nước, với dân à?
Với nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công lý, bảo vệ công lý và với tư duy hành động mạnh mẽ, sáng suốt, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, các giá trị của công lý đã trở thành những giá trị cốt lõi của Nhà nước vì dân, thân dân. Các thẩm phán có nghĩa vụ “chỉ trọng pháp luật và công lý”; các Phụ thẩm phải tuyên thệ: “Tôi thề trước Công lý và nhân dân rằng tôi sẽ suy xét cẩn thận những án đem ra xử, không hề ăn hối lộ, vị nể, vì sợ hãi hay vì tư lợi hay thù oán riêng mà bênh vực hay làm hại một bị can nào. Tôi sẽ cứ công bằng mà xét định mọi việc”; “Uỷ ban nhân dân các làng không được phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng”; “Các quyền dân sự của công dân chỉ được thực hiện và bảo vệ khi công dân sử dụng các quyền ấy của mình một cách phù hợp với quyền lợi của nhân dân”. Ngọn lửa khát khao công lý, lẽ phải, lẽ công bằng cho Nhân dân Việt Nam đã bừng sáng trong trái tim người cộng sản Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 ấy sẽ tiếp tục thắp sáng và cháy mãi trong các thế hệ đảng viên cộng sản của ngày hôm nay./.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục THADS
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp
Copy từ trang tấm gương đạo đức HCM