Cục Bồi thường nhà nước: Sinh hoạt chuyên đề quán triệt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm

16/11/2024
Cục Bồi thường nhà nước: Sinh hoạt chuyên đề quán triệt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tại nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là một dấu mốc, bước chuyển quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sau gần 02 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, mới đây, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Tô Lâm đã có bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, ngày 14/11/2024, Chi ủy, Lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề quán triệt nội dung bài viết nêu trên của đồng chí Tô Lâm. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục Bồi thường nhà nước.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, thay mặt Chi ủy, Lãnh đạo Cục, đồng chí Lê Thái Phương – Chi ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước đã quán triệt nội dung bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong đó, đồng chí Lê Thái Phương nhấn mạnh và đề nghị các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục tập trung nghiên cứu các mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết số 27-NQ/TW đó là: Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.
 
 
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Thái Phương cũng quán triệt nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” nhằm tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
 

Trên cơ sở đó, các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục đã trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn nữa các nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại Bài viết gắn với nhiệm vụ chính trị, chức năng, nhiệm vụ, quyền han được giao của từng đơn vị, từng đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
 

Để tổ chức triển khai kịp thời những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết và kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị quán triệt bài viết này của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng chí Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bồi thường nhà nước đề nghị các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, cần thường xuyên nghiên cứu để hiểu rõ, nắm chắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư để thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của việc phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: (1) Việc tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về lĩnh vực bồi thường nhà nước phải đúng và trúng, đặc biệt là phải đề xuất được các giải pháp để tháo gỡ, khắc phục “điểm nghẽn” ở thể chế đã được chỉ ra, đổi mới tư duy, phương pháp tổ chức thực hiện để bước vào kỷ nguyên mới, đón kịp xu thế của thời đại; (2) Lấy quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước; (3) Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong hướng dẫn giải quyết bồi thường và hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; (4) gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục, bảo đảm có đội ngũ nhân sự đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ được Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ giao cho Cục trong tình hình mới./.
Nguồn: Cục Bồi thường nhà nước
Tác giả: Vũ Thanh Tùng