Nhân kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, được sự đồng ý của Ban cán sự, Đảng ủy Bộ Tư pháp, từ ngày 28/4 đến ngày 02/5/2010, đại diện Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp do đồng chí Nguyễn Duy Lãm là cựu chiến binh, thương binh chống Mỹ - Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn; đồng chí Lê Văn Duyên - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh - Phó Trưởng đoàn cùng các đồng chí là thương binh, cựu chiến binh đã về thăm lại chiến trường xưa.
Trong cuộc hành trình, Đoàn đã tổ chức các buổi giao lưu sinh hoạt chính trị, văn nghệ, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm thực tế trong công tác tư pháp với Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Cựu chiến binh Bộ Tư pháp với các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự địa phương.
Thông qua giao lưu, các Cựu chiến binh càng hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa chiến thắng lịch sử, trọng đại của đất nước và cũng là dịp tôn vinh giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, không ngừng khơi dậy và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và trách nhiệm của "anh bộ đội Cụ Hồ"; nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ tư pháp của ngành trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Ngày 30/4/2010, tới giao lưu với Hội cựu chiến binh Sở Tư pháp, Cục Thi hành án tỉnh Quảng Trị, Đoàn cựu chiến binh Bộ Tư pháp được tham dự "Lễ hội thống nhất non sông" do Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức tại Khu di tích đôi bờ Hiền lương - Bến Hải, nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước đằng đẵng hơn 20 năm; nơi dồn tụ bao tình cảm của người dân Việt Nam cháy bỏng khát khao ngày thống nhất non sông, đoàn tụ dân tộc.
Đoàn được dự lễ thượng cờ uy nghi và thành kính bên dòng sông Bến Hải, bên cây cầu Hiền Lương lịch sử, khơi dậy hình ảnh dòng sông Bến Hải, chiếc cầu Hiền Lương hiền lành đã từng chịu đựng nỗi đau chia cắt đất nước ròng rã 21 năm trời trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh là biểu tượng của niềm tin, ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là biểu trưng cho chân lý sáng ngời "không có gì quý hơn độc lập tự do".
Đoàn được chứng kiến nghi thức đón nhận hai bầu nước của Đảng bộ nhân dân tỉnh Cao Bằng và tỉnh Hậu Giang lấy từ đầu nguồn Suối Lê Nin, từ cuối dòng sông Hậu, nơi hợp lưu của chín dòng sông phương Nam gửi về hòa cùng dòng nước Bến Hải, thể hiện sự thống nhất của ba miền đất nước trong âm hưởng dạt dào, là niềm hạnh phúc vô bờ của sự đoàn tụ dân tộc, giang sơn thu về một mối.
Đoàn đã đến thăm, tặng quà và dâng hương Kỳ đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của trên 10.000 anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cùng ngày, Đoàn đến dâng hương và tặng quà lưu niệm tại Đài tưởng niệm Di tích Thành Cổ, Bảo tàng Thành Cổ, nơi ghi dấu ấn 81 ngày đêm năm 1972, nơi yên nghỉ chung cho những người đang nằm trong lòng đất; nghẹn lòng, đi nhẹ, nói khẽ bởi nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có máu xương các chiến sỹ.
Trước Kỳ đài, đồng chí Trưởng đoàn đã hứa với vong hồn các anh hùng Liệt sỹ: mãi mãi tiếp bước các anh, phát huy truyền thống "bộ đội Cụ Hồ", năng động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, góp phần xây dựng đất nước vững mạnh bằng việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thay mặt Đoàn, đồng chí Nguyễn Duy Lãm, đồng chí Nguyễn Văn Thảnh, đều là Thương binh, Cựu chiến binh chống Mỹ đã trao tặng Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Di tích Thành cổ Quảng trị hai cuốn Thư pháp viết về "tình đồng đội". Cuốn thư này là kết tinh tình cảm sâu lắng trong cuộc đời quân ngũ của tác giả Chu Văn Thịnh - Cựu chiến binh chống Mỹ, thành viên tr ong đoàn. Để chuẩn bị thăm lại chiến trường xưa, trong thời gian ngắn, bằng tất cả tình cảm, tâm huyết, cảm xúc của mình, anh đã viết lên những vần thơ, làm nên cuốn Thư pháp trang trọng, ý nghĩa, nặng tình, trọn nghĩa đồng chí, đồng đội.
Nâng niu, trân trọng cuốn Thư pháp, đại diện Ban Quản lý Nghĩa trang, Ban quản lý Di tích Thành Cổ đã nói đây là một trong những kỷ vật thiêng liêng, độc đáo, nặng nghĩa tình đồng đội, sau ngày Lễ lớn này, cuốn Trúc thư pháp của Hội cựu chiến binh Bộ Tư pháp sẽ được lưu giữ và trưng bày tại Phòng truyền thống, Bảo tàng của Khu di tích.
Đoàn về dâng hương và thăm Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có 10 cô gái đã anh dũng ngã xuống, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để nối liền huyết mạch giao thông giữa hậu phương với tiền tuyến; thăm chứng tích hùng hồn về cuộc chiến chống đế quốc Mỹ hết sức ác liệt và quả cảm; được nghe và tìm hiểu kỹ hơn về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, một biểu tượng đẹp, một kỳ tích anh hùng và cảm động của tuổi trẻ Việt nam.
Rời chiến trường xưa, mỗi người trong Đoàn đều xúc động, tự hào về những tháng, năm quân ngũ, về tình đồng đội, ai cũng cảm nhận được thời khắc thiêng liêng ngày chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi là biểu tượng rực rỡ về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, sự đóng góp hy sinh to lớn của các thế hệ, của lớp lớp người con ở mọi miền đất nước. Cựu chiến binh chúng ta không ngừng phát huy phẩm chất của "bộ đội Cụ Hồ", năng động, sáng tạo vượt qua thách thức, góp phần nhỏ bé của mình cho sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước nói chung, sự nghiệp tư pháp nói riêng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Vũ Thị Hằng