Thực hiện kế hoạch hoạt động Đoàn năm 2009, Liên chi Đoàn Vụ Pháp luật quốc tế - Hợp tác quốc tế đã phát động ủng hộ cho trẻ em mồ côi tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật và người già, Thụy An, Ba Vì, Hà Nội, đây được coi là hoạt động thường xuyên, nổi bật và có ý nghĩa thiết thực của Liên chi Đoàn, do vậy cuộc vận động không những đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đoàn viên mà còn cả sự quan tâm cả cán bộ, chuyên viên và Lãnh đạo hai đơn vị.
Sáng ngày 28/11/2009, các đoàn viên Liên chi Đoàn đã đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật và người già, dẫn đầu đoàn là đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Khánh Ngọc, tại đây đoàn đã thực hiện tặng quà bao gồm quần áo, bánh kẹo, sữa, đồ chơi trẻ em và một số đồ dùng khác. Thay mặt Trung tâm ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc Trung tâm cho biết Trung tâm được thành lập từ năm 1976, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chức năng chính của Trung tâm là chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, Trung tâm cũng đồng thời thực hiện giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ em tàn tật, mồ côi. Theo ông Hồng trẻ em khuyết tật và mồ côi ở Trung tâm chủ yếu là con thương binh, bệnh binh, con của các gia đình nghèo và con bị bỏ rơi trên địa bàn Hà Nội, trong số các em bị tàn tật có nhiều em là nạn nhân chất độc da cam.
Đến với những mảnh đời bất hạnh
Có khoảng gần chục trẻ em, cả trai gái lớn bé chạy đến vây quanh chúng tôi, có em lành lặn, có em đi khập khiễng với ánh mắt ngơ ngác nhưng các em không nghịch ngợm, không ồn ào mà chỉ nhìn chúng tôi và cười. Các em chen nhau đứng tạo dáng và bảo cô chụp cho cháu nhiều hình nhé, những đứa lớn thì chạy đến và dành những túi đồ nặng rồi bảo để cháu xách hộ cô, các em đón chúng tôi như thể đón người thân vừa đi xa về, chúng tôi theo chân các em đi đến từng khu nhà ở dành cho các em. Dãy nhà dành cho các em mồ côi ở độ tuổi đi học có lẽ là ồn ào nhất ở Trung tâm, ở đây có nhiều em đã được đến trường đi học bình thường và bước đầu hòa nhập với cộng đồng xã hội nhưng kế bên cạnh là khu nhà dành cho các trẻ em khuyết tật, ở đây có vẻ yên lặng hơn nhưng bao trùm là một bầu không khí buồn bã, các em được đặt ngồi trên từng chiếc ghế và bất động nhìn chúng tôi, cuộc sống của các em phải có sự hỗ trợ của các cô nuôi dưỡng. Ở cuối Trung tâm là khu dành cho người già, mỗi phòng có khoảng 4 người, cả người khuyết tật, họ được gọi là những người gần đất xa trời nhưng những ai đã đặt chân đến đây, nhìn cuộc sống của họ chắc không dễ để quên và cầm lòng bởi cũng là con người nhưng chúng ta đã được thượng đế quá ưu ái ban cho một cuộc đời hạnh phúc, có một công việc, một gia đình, còn họ... Các bé sơ sinh được ở trong một khu nhà thoáng và sạch sẽ nhất Trung tâm, có khoảng 30 bé, tại đây các bé có chung một ngôi nhà, có chung mẹ nhưng mỗi bé đều mang trong mình một hoàn cảnh trớ trêu riêng. Có ai đó đã từng nói những đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh cơ cực dường như chúng biết được thân phận bạc bẽo của mình ngay từ khi mới lọt lòng mẹ vì thế mà chúng rất ngoan, câu nói đó thật đúng với những đứa trẻ ở đây, ngồi chưa vững mà các bé đã tự cầm cả bình sữa lớn để uống, những bé mới vài tháng thì được sự “trợ giúp” của chăn và gối, có bé đã khóc nhưng dỗ các bé thật đơn giản, chỉ cần bế các bé vào lòng là bé hết khóc ngay, có lẽ bé đang cần hơi ấm. Nhìn các bé “tự lập” tôi chợt nhớ đến ngày đầy tháng con của một người bạn, có đến hơn 200 người được mời đến để chia vui vì sinh được quý tử.
Trời đã quá muộn, chia tay các bé nhưng một cảm giác mơ hồ và những tiếng khóc cứ níu kéo bước chân chúng tôi, bế mỗi bé thêm một lúc nữa và chúng tôi hẹn ngày trở lại.
Liên Chi đoàn vụ PLQT-HTQT