Hội nghị báo cáo viên TW: Tích cực đấu tranh phản bác thông tin sai trái của các thế lực thù địch

16/06/2023
Hội nghị báo cáo viên TW: Tích cực đấu tranh phản bác thông tin sai trái của các thế lực thù địch
Sáng 16/6, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 theo hình thức trực tuyến tại 3.372 điểm cầu trong cả nước, với 148.387 đại biểu tham dự. Dự hội nghị tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các báo cáo viên tại hội nghị. Đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp tham dự tại điểm cầu Bộ Tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin nhanh về vụ gây mất an ninh trật tự tại Đắc Lắk; Tiến sỹ Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin chuyên đề “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; PGS.TS.Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin chuyên đề “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”.
 

Toàn cảnh Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương


Về vụ gây mất an tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, đánh giá sơ bộ, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, đây hoạt động gây mất trật tự nghiêm trọng, manh động, liều lĩnh... Bộ Công an tiếp tục điều tra, truy bắt hết số đối tượng gây án, thu giữ vũ khí, vật liệu nổ; đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân; triển khai các biện pháp loại trừ các vụ việc tương tự lợi dụng kích động gây mất an ninh trật tự, bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự trên địa bàn.
 

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin nhanh về vụ gây mất an ninh trật tự tại Đắc Lắk

Tại chuyên đề “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, Tiến sỹ Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khái quát về bối cảnh, thành tựu; tồn tại, hạn chế; quan điểm triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Tiến sỹ Trần Gia Long khẳng định, Việt Nam là nước có lợi thế về phát triển nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng đều nêu tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có hai Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

TS.Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin chuyên đề “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”
 
Với các cơ chế chính sách đồng bộ được ban hành, nông nghiệp đã đạt được thành tựu phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, nông dân ngày càng giàu có. Từ năm 2010 đến 2020 tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành nông nghiệp trung bình khoảng 2,9%/năm; năm 2022 tăng 3,36% và dự kiến năm 2023 tăng 3,5%.
Bên cạnh những thành tựu trên, phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng có những khó khăn, thách thức từ nội tại, từ thiên tại, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường. Trước bối cảnh và yêu cầu của thời kỳ mới và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh thực chất, hiệu quả.
Tiến sỹ Trần Gia Long cho biết, Trung ương đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với môi trường sống tốt đẹp, có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và dịch vụ tiệm cận với đô thị; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 2030 tăng trưởng GDP toàn ngành 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp 5,5-6%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết tam nông đã nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân; hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển thị trường tài chính, tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ…
Cũng tại hội nghị, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin chuyên đề “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. PGS.TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng, là một trong 10 nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và là một trong những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn.
Về vụ gây mất an tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở căn cứ thông tin của đồng chí Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cung cấp, tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời để góp phần nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Các đồng chí tuyên truyền viên tham gia tích cực đấu tranh phản bác với các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai trái của các thế lực thù địch; tuyên truyền tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững).
Tập trung tuyên truyền những nội dung đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã thông tin về xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử; góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện, thống nhất các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trên tinh thần ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin