Chương trình học tập trực tuyến “Lồng ghép giới trong XD VBQPPL, PBGDPL và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”

28/07/2022
Trong khuôn khổ dự án Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE) do Liên Minh Châu Âu tài trợ, năm 2021, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các chuyên gia về giới, chuyên gia pháp luật xây dựng Tài liệu tập huấn lồng ghép giới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật với sự hỗ trợ trực tiếp của UNICEF Việt Nam. Mục tiêu của Tài liệu là cung cấp những kiến thức cơ bản, khái quát và cô đọng về vấn đề giới, phương pháp, cách thức lồng ghép giới hiệu quả vấn đề bình đẳng giới vào công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tài liệu đã được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương, các chuyên gia về giới và pháp luật của Việt Nam và quốc tế trước khi đưa vào tập huấn thử nghiệm và đều nhận được các ý kiến tích cực của đối tượng sử dụng.
Để tăng cường hơn nữa sự lan tỏa kiến thức cơ bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới, đồng thời, để thích ứng với những xu hướng học tập tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0, trên nền tảng học liệu nêu trên, từ Quý II/2021 đến Quý I/2022, Ban Vì sự tiến bộ ngành Tư pháp đã tiếp tục chủ trì xây dựng và hoàn thành Chương trình học tập trực tuyến “Lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Điểm mới, nổi bật của Chương trình là được thiết kế dưới hình thức 10 video ngắn gọn với thời lượng 5-7 phút/video, có sự kết nối hệ thống, logic gồm hình ảnh sinh động, lời bình khúc triết và nội dung khái quát, cô đọng nhất về giới, bạo lực trên cơ sở giới, một số kỹ năng gắn với yêu cầu thực tiễn về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Mỗi video đều tóm tắt tổng quan ngay ở phần đầu nhằm định hướng sự chú ý của người học. Cuối mỗi video sẽ xuất hiện một số câu hỏi trắc nghiệm giúp ghi nhớ và làm sâu sắc hơn nhận thức cho người học (có đường dẫn để xem đáp án trong trường hợp người học không trả lời được câu hỏi). Đồng thời, Chương trình còn được cài đặt các tính năng giúp người dùng tự quyết định thời gian nghiên cứu; tham khảo tài liệu mở rộng để củng cố thêm kiến thức; tự tạo khả năng tương tác giữa người học với nhau và có thể tự kiểm tra, đánh giá mức độ thẩm thấu kiến thức của bản thân thông qua việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm ở mỗi video và sau khi kết thúc toàn bộ 10 bài giảng. Nếu trả lời đúng trên 80% câu hỏi, người học sẽ được hệ thống tự động gửi về chứng nhận đã hoàn thành nội dung của chương trình tập huấn. Nếu không đạt tỷ lệ điểm quy định, người học vẫn có cơ hội kiểm tra lại kiến thức của mình bởi nhiều bộ câu hỏi khác.
Chương trình học tập trực tuyến được đặt tại website treemvagioi.edu.vn trên mã nguồn mở Moodle. Nền tảng mã nguồn mở Moodle được thế giới công nhận là một nền tảng cung cấp một hệ thống quản lý học tập an toàn, bảo vệ quyền riêng tư, quyền kiểm soát và bảo mật dữ liệu của người dùng. Sau khi đăng tải chính thức trên nền tảng Moodle từ cuối tháng 6/2022, đến nay đã có hàng trăm lượt người truy cập và tham gia học tập trực tuyến về nội dung này và đều phản hồi tích cực.
Có thể nói, việc xây dựng Chương trình là một sáng kiến tích cực và nỗ lực bền bỉ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Tư pháp nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả lồng ghép giới vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. Đây cũng là một hoạt động thiết thực cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức, tạo sự linh hoạt, chủ động và khuyến khích tinh thần tự trau dồi, tự học hỏi của các cá nhân, tổ chức quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp tin tưởng rằng, việc tiếp cận, nghiên cứu, sử dụng Chương trình nêu trên không chỉ mang lại những kiến thức bổ ích, kinh nghiệm hay cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở các bộ, ngành, địa phương mà còn góp phần quan trọng vào việc thống nhất nhận thức, gợi mở những phương pháp tư duy, làm việc mới cho các tổ chức, cá nhân đang công tác, làm việc hoặc quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới./.
Kim Dung