Gặp gỡ và đối thoại của Bộ trưởng Hà Hùng Cường với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội

26/03/2009
Gặp gỡ và đối thoại của Bộ trưởng Hà Hùng Cường với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội
Ngày 25/3/2009, đồng chí Hà Hùng Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có buổi gặp gỡ và đối thoại với sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nhân ngày 26/3. Rất nhiều những khúc mắc, tâm tư nguyện vọng của sinh viên cũng như kinh nghiệm của người đi trước đã được Bộ trưởng Hà Hùng Cường lắng nghe và chia sẻ.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và kế hoạch tháng Thanh niên năm 2009 của BCH Đoàn trường, hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ Tư pháp tổ chức buổi gặp gỡ và đối thoại này.

Tới dự buổi gặp gỡ và đối thoại có: Lãnh đạo Bộ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Văn phòng Bộ; đại diện Đoàn TNCSHCM Bộ Tư pháp; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội sinh viên thành phố Hà Nội; về phía Trường có: Ban Giám hiệu; đại diện Lãnh đạo các đơn vị, các Tổ chức đoàn thể, các giảng viên trẻ và hơn 500 sinh viên đại diện cho gần 6000 sinh viên hệ chính quy trong Trường; Các cơ quan truyền thông: Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Thanh niên...

Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Bộ trưởng Tư pháp và sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nhằm các mục đích:

Góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức pháp lý cao, có sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Động viên, khích lệ sinh viên học tốt, rèn luyện tốt lập thành tích chào mừng 30 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội, 60 năm ngày thành lập ngành Tư pháp.

Là cơ sở để Lãnh đạo Bộ có thể tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, ước mơ, hoài bão của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, từ đó có định hướng về học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện của sinh viên.

Giúp sinh viên tìm hiểu về Tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp; tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện của sinh viên.


“Hãy coi chúng tôi như những người anh đi trước”

Mở đầu buổi đối thoại, câu nói chân tình của Bộ trưởng đã nhận được những tràng pháo vui mừng của hơn 500 sinh viên có mặt tại hội trường. Và, cũng từ câu nói này, không khí buổi đối thoại trở nên cởi mở, thẳng thắn hơn bao giờ hết.

Câu hỏi đầu tiên được chuyển đến Bộ trưởng có thể nói là câu hỏi của phần lớn sinh viên đã và đang học tập tại trường ĐH Luật Hà Nội: “Việc đào tạo luật hiện nay đang nghiêng nhiều về lý thuyết, ít thực tiễn. Có cách gì để khắc phục điểm yếu này để tạo thuận lợi cho người học?”. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đây là điểm yếu chung của toàn bộ nền giáo dục đại học ở Việt Nam chứ không riêng chuyên ngành đào tạo luật. Muốn khắc phục được thực tế này cần phải có thời gian và nỗ lực. Về phần mình, ngành Tư pháp đã từ lâu rất quan tâm đến vấn đề này, thể hiện qua việc Bộ Tư pháp đang phối kết hợp với trường ĐH Luật Hà Nội thực hiện Đề án xây dựng trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm, trong đó vấn đề dạy – học lý thuyết, thực tiễn pháp lý được đặc biệt chú trọng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, để mỗi sinh viên khi ra trường có được bề dày kinh nghiệm thực tiễn bên cạnh kiến thức lý thuyết, trường ĐH Luật Hà Nội phải nghiên cứu đổi mới chương trình thực tập để sinh viên thực sự hòa mình vào đời sống tư pháp thay vì chỉ kiến tập như hiện nay. Bên cạnh đó, trường cũng nên hòa nhập, khẳng định tiếng nói của mình trong các hoạt động của đời sống pháp lý-xã hội, thể hiện qua nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là mở các trung tâm tư vấn pháp lý để sinh viên có cơ hội mang kiến thức pháp luật đến với mọi người, cũng như trau dồi kinh nghiệm, thực tiễn.

Thay mặt cho những sinh viên có khao khát được tham gia, cống hiến cho ngành Tư pháp, sinh viên Đèo Thị Thủy lớp Dân sự 32 C chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi: “Hiện nay, theo em được biết, cơ hội để cho sinh viên tham gia vào các hoạt động của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp không nhiều. Vấn đề này có thể khắc phục được không và sinh viên luật có thể tham gia vào hoạt động nào của Bộ, ngành là phù hợp? ” Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Bộ Tư pháp luôn hoan nghênh và tạo cơ hội cho sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội tham gia vào các hoạt động của Bộ, ngành. Ví dụ như, sinh viên có thể đóng góp ý kiến cho hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ khâu soạn thảo cho tới việc phát hiện những bất cập phát sinh trong thực tiễn thực thi; tham gia quá trình tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; theo dõi việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý như hộ tịch, thi hành án...Thay mặt lãnh đạo nhà trường, Thầy Hiệu trưởng Lê Minh Tâm cũng đề nghị Bộ trưởng chỉ thị cho các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục cộng tác tốt với trường để giúp sinh viên tích lũy vốn sống pháp lý và tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia việc xây dựng các VBQPPL do Bộ chủ trì, vì đây chính là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của Câu lạc bộ Luật gia trẻ đang thu hút rất đông sinh viên trong trường.       

                       

Tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội để trưởng thành

Với tư cách là người đi trước, là Bí thư chi đoàn đầu tiên của trường ĐH Luật Hà Nội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khuyên các em sinh viên nên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội bên cạnh việc trau dồi học tập. Bởi, chính các hoạt động xã hội, đoàn thể này sẽ giúp cho sinh viên hoàn thiện được kỹ năng hùng biện, thuyết phục, sự tự tin là những điều rất cần thiết cho công việc sau này. Đồng tình với lời khuyên của Bộ trưởng, anh Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội – một cựu sinh viên, Bí thứ Đoàn của trường ĐH Luật Hà Nội, khách mời của buổi đối thoại đã khẳng định, hoạt động Đoàn, Hội là chính là “trường Havard” không miễn phí đem lại cho sinh viên nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu.

Cũng như giới sinh viên nói chung, sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề nghề nghiệp và các cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Trả lời câu hỏi của sinh viên, Bộ trưởng đã chỉ ra những mặt mạnh, yếu của sinh viên ĐH Luật khi đầu quân vào các cơ quan, tổ chức. Theo Bộ trưởng, một trong những mặt yếu cần khắc phục ngay là kỹ năng ngoại ngữ. Vì đây chính là điều kiện tiên quyết để vượt lên, Bộ trưởng khẳng định.

Chia sẻ với nỗi lo ít cơ hội việc làm đúng ngành, nghề sau khi tốt nghiệp và yêu cầu quá cao của nhà tuyển dụng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Việt Nam đang trên bước đường xây dựng nhà nước pháp quyền và cuộc sống không thể thiếu pháp luật nên không có chuyện sinh viên luật không có cơ hội việc làm, chỉ sợ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Về phần mình, Bộ Tư pháp luôn khuyến khích việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào công tác tại các cơ quan tổ chức trong ngành Tư pháp để đóng góp cho sự phát triển của ngành, của đất nước...

Cuộc gặp mặt và đối thoại diễn ra trong không khí trang trọng với tinh thần cởi mở, thẳng thắn. Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại này, Bộ trưởng đã trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên về kinh nghiệm trong học tập và rèn luyện, về việc sinh viên tham gia các hoạt động xã hội và vấn đề về nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học Luật.

Bộ trưởng đánh giá buổi gặp gỡ và đối thoại đã thu hút được đông đảo sinh viên, phần lớn là sinh viên trẻ. Điều đó cho thấy tuổi trẻ hôm nay nói chung, các sinh viên Trường Đại học Luật nói riêng, có tinh thần học hỏi, cầu thị và một thái độ rất nghiêm túc đối với cuộc sống hiện tại và nghề nghiệp tương lai.

Qua cuộc gặp gỡ và đối thoại này cũng cho thấy việc gặp gỡ, giao lưu, đối thoại với các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các thế hệ đi trước là một nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Mong rằng những diễn đàn như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để góp phần định hướng tốt hơn cho sinh viên về học tập, rèn luyện, tương lai, nghề nghiệp.

(Xuân Hoa - Quốc Tuấn, ảnh Cục CNTT)

Trước buổi đối thoại, tổ chức Đoàn trường ĐH Luật Hà Nội đã lấy phiếu thăm dò ý kiến của sinh viên. Kết quả có 506/521 phiếu thể hiện sự mong muốn được đối thoại với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, học tập của sinh viên. Có 432 câu hỏi đã được sinh viên chuyển tới Bộ trưởng trong buổi đối thoại.