Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Startup - Những khía cạnh pháp lý về gọi vốn đầu tư”

28/09/2019
Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Startup - Những khía cạnh pháp lý về gọi vốn đầu tư”
Vào ngày 28/9, hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Startup - Những khía cạnh pháp lý về gọi vốn đầu tư” đã diễn ra thành công với nhiều giá trị thông tin cho những người tham dự. Hội thảo do đơn vị chủ trì nhiệm vụ truyền thông hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Quốc gia – Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp - Công ty Cổ phần Truyền thông Thiên Lộc – Khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp V-startup Việt Nam tổ chức.

Chương trình không chỉ nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của các startup trẻ và các bạn sinh viên mà còn có nhận được sự quan tâm của các đại diện bộ ngành tham gia, cũng như thu hút đại diện đến từ các trường đại học và các đơn vị đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tại buổi toạ đàm, các diễn giả đã mang đến cho đại biểu tham dự, các bạn sinh viên cùng các khách mời đến từ phía doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những thông tin về pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận hành doanh nghiệp, quá trình nhận vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như cũng như các bất cập về định giá tài sản trí tuệ của Startup khi gọi vốn đầu tư.
 

Phiên sáng của buổi hội thảo có chủ đề: “Thực trạng và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Quản lý quỹ đầu tư tại Việt Nam”. Chia sẻ tại hội thảo, bà Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đưa ra nội dung của Khung pháp lý thí điểm. Việt Nam rất cần Sandbox cho ICO, STO hay IEO trong thời điểm hiện nay. Việt Nam dù được đánh giá là quốc gia hội tụ đủ yếu tố để trở thành trung tâm ứng dụng blockchain của thế giới, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh hỗ trợ có thể khiến Việt Nam không tận dụng được giá trị tối đa từ nền tảng công nghệ này. Có thể nói đây cũng chính là ứng dụng “Sandbox” của Chính phủ vì "Sandbox" là khu vực được thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, áp dụng trong phạm vi hạn chế. Chính phủ thông qua đề án này giúp doanh nghiệp và cộng đồng có môi trường hoạt động thay vì phải ra nước ngoài như thời gian vừa qua. Với sự cởi mở của Chính sách trong thời gian gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi và nhiều mô hình mới được triển khai, Chính phủ tiên phong trong việc xây dựng thị trường đầu tư mạo hiểm, các sàn giao dịch ICO, STO, và Coin trong khuôn khổ Sandbox, hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, chúng ta hoàn toàn hi vọng vào tương lai gần Việt Nam sẽ giữ được những startup triệu đô trong các lĩnh vực này.
 

Tiếp nối phiên buổi sáng, tại phiên hội thảo chiều, các vấn đề:Một số điều chỉnh khung pháp lý và phát triển năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp”, với sự tham gia các đại diện chủ trì: Giám đốc V-Startup Nguyễn Thy Nga, PGS.TS Trần Văn Nam – Trưởng Khoa Luật Trường Kinh tế Quốc dân, Phạm Thị Thanh Nga – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư Pháp. Cùng với các diễn giả khách mời đại diện cho các bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, đại diện Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã chia sẻ tại Hội thảo một số nội dung chung về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khởi nghiệp và việc huy động, tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như một số nội dung nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ “Những rào cản pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay” do Đoàn Thanh niên Bộ triển khai thực hiện.
 

Hội thảo "Startup - Những khía cạnh pháp lý về gọi vốn đầu tư" tổ chức ngày 28/09/2019 nằm trong chuỗi chương trình triển khai nhiệm vụ "Truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp" thuộc Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844). Với nhiệm vụ này, V-Startup đã và đang phối hợp với Công ty Cổ phần Thiên Lộc và Đoàn Thanh niên Bộ Tư Pháp hỗ trợ các đối tác về pháp lý, truyền thông, liên kết với các nguồn quỹ. Đồng thời V-startup phối hợp xây dựng nội dung kết nối mạng lưới chuyên gia tham gia tổ chức các sự kiện quan trọng của Chính phủ./.

 Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp.