Tham dự có Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong; Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương cùng các đồng chí nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy, việc ban hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên, phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền, nghĩa vụ của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương mong muốn các đại biểu dự hội nghị tích cực tham gia góp ý, đề xuất các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn trong quá trình tham gia chuẩn bị hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự thảo Luật khi được trình và thông qua.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đã có cách tiếp cận mới nhằm giải quyết các vấn đề và tạo sự gần gũi với thanh niên. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn cần được hoàn thiện hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của thanh niên cũng như các tầng lớp nhân dân. Quan tâm tới tính khả thi để các nội dung của dự thảo Luật sớm được thông qua và đi vào thực tiễn, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật cần chú trọng khái quát nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên theo đặc thù lứa tuổi, đặc biệt là các nguyện vọng được học tập, lao động, vui chơi giải trí, cống hiến và trưởng thành.

“Hiện nay, nhiều thanh niên muốn cống hiến nhưng môi trường và hành lang pháp lý cho sự cống hiến ấy như thế nào?”, ông Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định: Nhu cầu được cống hiến và trưởng thành là mục tiêu cao cả, nhân văn, do đó dự thảo Luật cần hình thành được hành lang pháp lý, chính sách cho sự cống hiến của thanh niên, bởi đây là một lực lượng đông đảo, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Đặt vấn đề hiện nhiều thanh niên tài năng không thiết tha với khu vực công, ông Ngọ Duy Hiểu đề xuất, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) phải góp phần giải quyết thực trạng này, thu hút nhân tài xây dựng đất nước, tham gia nhiều hơn vào khu vực công.

Điều 1, Chương I của dự thảo Luật quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi”. Theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, cách tiếp cận theo độ tuổi để xây dựng Luật là chưa phù hợp. Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam nhấn mạnh, giới hạn về độ tuổi chưa phản ánh được đặc thù của thanh niên, phải có cách tiếp cận có tầm nhìn hơn đối với một lực lượng được coi là rường cột nước nhà. Cho ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Trọng Kim đề xuất, cần tiếp cận thanh niên như một nhóm nhân khẩu xã hội đặc thù bởi tính thừa kế và hậu bị của lực lượng này. Theo ông Vũ Trọng Kim, tương lai của Tổ quốc được quyết định bằng việc chuẩn bị, xây dựng, bồi đắp thế hệ thanh niên. Thanh niên chính là lực lượng thúc đẩy xã hội cất cánh, sánh với các cường quốc năm châu, là xung lực cho cách mạng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) về các nội dung nhằm thể chế hóa, hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…/.