Đoàn Thanh niên Bộ và Học viện Tư pháp vào Lăng viếng Bác

31/08/2018
Đoàn Thanh niên Bộ và Học viện Tư pháp vào Lăng viếng Bác
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2018), Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức cho các bạn đoàn viên, thanh niên của Bộ, Học viện Tư pháp và các đồng chí cán bộ, giảng viên Bộ Tư pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện đang theo học Lớp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự tại Học viện vào Lăng viếng Bác và thăm quan Tòa nhà Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đoàn đã dâng hoa và vào Lăng viếng Bác, nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tình cảm, gắn bó đặc biệt, keo sơn giữa Bác Hồ với Chủ tịch Kaysone Phomvihane trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Mối quan hệ đó được các nhà lãnh đạo cấp cao của 02 Đảng, nhân dân 02 nước giữ gìn, vun đắp và ngày càng tốt đẹp như chính câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi vào tháng 3/1963 rằng: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Tiếp theo Đoàn đã đến thăm Tòa nhà Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một biểu tượng uy nghi của nền lập pháp Việt Nam. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta vẫn còn nhớ mùa thu cách đây 73 năm (ngày 02/9/1945), trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Hồ Chủ tịch khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba của lịch sử dân tộc Việt Nam, sau bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ X và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi viết năm 1428.
Thế hệ trẻ của Bộ Tư pháp Việt Nam và cán bộ, giảng viên Bộ Tư pháp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hôm nay nhận thức sâu sắc giá trị lịch sử, nguyện không ngừng tiếp nối, vun đắp tình hữu nghị, mối quan hệ đặc biệt thủy chung, son sắt của 02 Đảng, 02 Nhà nước và 02 dân tộc Việt Nam - Lào./.
                                                                        Văn phòng Đoàn Bộ