Bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng bộ Bộ Tư pháp

02/02/2018
Bảo vệ chính trị nội bộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng bộ Bộ Tư pháp
Những năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng bộ Bộ Tư pháp đã được Đảng ủy Bộ, Ban Cán sự đảng Bộ và các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc...

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị.

Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên truyền, phát tán tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động  “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, những năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng bộ Bộ Tư pháp đã được Đảng ủy Bộ, Ban Cán sự đảng Bộ và các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy phối hợp với thủ trưởng các đơn vị trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định có liên quan qua đó không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong toàn đảng bộ Bộ; đảm bảo nội bộ các cơ quan, đơn vị trong sạch về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị, việc quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa đầy đủ, cho nên còn có những cán bộ, đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật kém, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ vật chất và sự tác động của đời sống xã hội, dẫn đến vi phạm kỷ luật, vi phạm quy định của đảng, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động ráo riết sử dụng mọi thủ đoạn chống phá nội bộ của ta hết sức tinh vi, như: lợi dụng những sơ hở trong quá trình nước ta hội nhập, hợp tác quốc tế để tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; tiến hành các hoạt động thu thập tình báo, móc nối, lôi kéo nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tình hình trên đòi hỏi các cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong Bộ phải hết sức cảnh giác, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị và mọi cán bộ, đảng viên trong Bộ. Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Các cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị cần  thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên đối với việc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ cơ quan.  Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong tình hình hiện nay. Mục tiêu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nhằm làm cho các cơ quan, đơn vị tuyệt đối an toàn về chính trị.

Do đó, nội dung giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải toàn diện, song cần tập trung giáo dục về tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin, phân tích rõ những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Qua đó, để cán bộ, đảng viên nâng cao cảnh giác, biết tự bảo vệ mình, bảo vệ nội bộ cơ quan, đơn vị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước.

Hai là, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải nắm vững và tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Quy định 57-QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; Chỉ thị 39-CT/TW ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới.

Trong quá trình triển khai, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị cần nghiên cứu kỹ nội dung để đưa vào nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, bảo đảm sát thực tiễn cơ quan, đơn vị mình và gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Trong công tác quy hoạch, bố trí sử dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ, phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn chính trị, thủ tục, nguyên tắc quy định nhằm chủ động phòng ngừa, góp phần đảm bảo nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch.

Ba là, thường xuyên rà soát, nắm bắt và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là tư tưởng, mối quan hệ của cán bộ, đảng viên. Coi trọng việc nắm bắt, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và người lao động; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đồng thời chăm lo xây dựng, củng cố đơn vị luôn trong sạch, vững mạnh; phát huy tốt vai trò của bí thư cấp ủy và thủ trưởng đơn vị trong thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ bí mật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản và sử dụng dịch vụ internet, các thiết bị công nghệ thông tin. Kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc lộ, lọt, mất bí mật có thể xảy ra.

Bốn là, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế.  Cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; các cơ quan chức năng liên quan làm tốt công tác tham mưu, đề xuất trong triển khai thực hiện; đảm bảo việc xét duyệt, tuyển chọn cán bộ ra nước ngoài công tác chặt chẽ về tiêu chuẩn chính trị, thủ tục, nguyên tắc và phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Đồng thời, tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các đoàn, cá nhân ra nước ngoài công tác, học tập, việc riêng,… tránh làm lộ, lọt bí mật trong quan hệ tiếp xúc với nước ngoài. Đặc biệt, không để cán bộ, đảng viên bị các thế lực thù địch, phần tử xấu mua chuộc, khống chế, lôi kéo.

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng bộ Bộ Tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực góp phần quán triệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đảm bảo cho Bộ Tư pháp vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo cơ sở nâng cao chất lượng mọi mặt công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành do Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
                Nguyễn Kim Tinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp