Thanh niên khởi nghiệp: Làm sao để giảm thiểu rủi ro?

09/11/2017
Thanh niên khởi nghiệp: Làm sao để giảm thiểu rủi ro?
Nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm 2017, ngày 8/11 vừa qua, tại TP.HCM, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức buổi hội thảo Thanh niên với phong trào khởi nghiệp. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp, ông Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành Pháp luật, Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM, cùng các cán bộ, đoàn viên, thanh niên các Cơ quan, ban, ngành trên địa bàn TP.HCM.
Đưa "phong trào" đi vào thực tế
Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều kiến thức thực tế, sâu sắc và hữu ích của 16 chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực như các thủ lĩnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, các cán bộ tư pháp, luật sư, các tổ chức xã hội...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Huy chỉ rõ trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Do vậy, thực tế cho thấy, phong trào khởi nghiệp trong cả nước nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng đã có nhiều khởi sắc, thủ tục hành chính được cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, mang tính cạnh tranh. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì phong trào khởi nghiệp vẫn còn những khó khăn cần có những giải pháp quyết liệt, toàn diện để tháo gỡ. Chính vì vậy, buổi hội thảo được Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm đem lại những kiến thức sâu rộng và bài học hữu ích cho phong trào thanh niên khởi nghiệp, giúp phong trào đi vào thực tế, giảm thiểu rủi ro cho đoàn viên, thanh niên khi tiến hành khởi nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Kim Tinh cho biết, trong những năm vừa qua, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Sở Tư pháp địa phương trong việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, mà buổi hội thảo Thanh niên với phong trào khởi nghiệp cũng là một hoạt động hữu ích nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).
Tại hội thảo, một sự hệ thống các khái niệm cũng như khái quát về hoạt động khởi nghiệp, sự khác biệt về quan điểm khởi nghiệp truyền thống và "starup" hiện đại đã được đưa ra bởi ông Phan Đình Tuấn Anh - người sáng lập của Angels 4 Us, Mạng lưới các nhà đầu tư cá nhân trong khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp quá nhanh, quá mạnh tại Việt Nam như một phong trào, cũng dễ dẫn đến sự thiếu căn bản, những lổ hỗng có thể khiến cộng đồng khởi nghiệp nhận những "quả đắng". Con số được đưa ra từ ông Nguyễn Đức Bình, Đại diện chi nhánh VCCI trụ sở tại TP.HCM cho thấy, tỉ lệ khởi nghiệp thành công là rất thấp, có đến 3,7% từ bỏ kinh doanh sau khi khởi nghiệp. Trong cộng đồng khởi nghiệp sau một thời gian chỉ còn 10% tồn tại và phát triển, 90% thất bại. Bởi thế, làm sao cho khởi nghiệp không chỉ là một phòng trào, nặng về con số hay báo cáo thành tích mà đi vào thực tiễn, giảm thiểu rui ro là một trăn trở của nhiều người quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp của thanh niên.
Trang bị kiến thức vững vàng để tránh khởi nghiệp rủi ro
Các diễn giả tham gia tại hội thảo đều thống nhất với ý kiến rằng, trang bị kiến thức pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững vàng cho cộng đồng khởi nghiệp là một trong những yếu tố tối quan trọng đem lại thành công cho phong trào khởi nghiệp. Theo bà Phạm Thị Hà My, Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghiệp của bất cứ doanh nghiệp nào, sẽ rất rủi ro nếu không có nền tảng pháp lý vững chắc. Chính vì thế, doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phải lưu tâm đến các vấn đề cụ thể trước khi thành lập, khi thành lập và sau khi thành lập doanh nghiệp. Phân tích cụ thể những khía cạnh rủi ro pháp lý của doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp phải, Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc công ty An Luật cho rằng, hiện đang có một "điểm mờ" pháp lý ở giai đoạn hình thành ý tưởng, khi doanh nghiệp chưa thành lập. Hiện, trong vòng đời của một chuỗi khởi nghiệp, thì giai đoạn ý tưởng và thử nghiệm này chưa thuộc sự bảo hộ của pháp luật (bởi chưa thành lập doanh nghiệp), chính vì thế, các công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn này chưa có. Nhiều tranh chấp, rủi ro về sau cũng đi từ "điểm mờ" này mà ra. Luật sư Quỳnh Như đưa ra khuyến nghị nên xem xét làm sao có thể giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng cũng như hạn chế những rủi ro có thể gặp phải do "điểm mờ" nói trên.

Tại Hội thảo, người tham gia cũng được tham khảo các mô hình khởi nghiệp cũng như nhiều bài học kinh nghiệm về chính sách cho khởi nghiệp tại nhiều quốc gia. Các chuyên gia đã cập nhật những chính sách pháp luật hữu ích do nhà nước và các địa phương ban hành nhằm hỗ trợ cho phong rào khởi nghiệp. Đặc biệt là Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu tiên được ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, trong đó có rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp như ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại, kết nối. Ngoài ra còn có các ưu đãi, hỗ trợ, nhiều hoạt động tuyên truyền và đầu tư dành cho phong trào khởi nghiệp, mà trong đó TP.HCM, đầu tàu kinh tế cả nước là địa phương đi đầu và thực hiện mạnh mẽ trong nhiều năm nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Hội thảo không chỉ đem lại những kiến thức hữu ích, mà quan trọng là mỗi một đoàn viên thanh niên tham dự sẽ trở thành một người tư vấn, định hướng giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp chân chính, sáng tạo và đột phá.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Huy - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ khẳng định hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia đầy tâm huyết, nhiều kinh nghiệm thực sự đã mang lại những kiến thức sâu sắc, cái nhìn toàn diện, cũng như bước đầu đề ra những kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.
                     Tin Ngọc Mai - ảnh Thu Trang