Những kỷ niệm về nghề Tư pháp và sự kỳ vọng về lớp cán bộ trẻ trong cơ quan Bộ Tư pháp

22/08/2017
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2017), Ban Tuyên giáo Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu tới các bạn Đoàn viên, thanh niên của Bộ bài viết “Những kỷ niệm về nghề tư pháp và sự kỳ vọng về lớp cán bộ trẻ trong cơ quan Bộ Tư pháp” của đồng chí Vũ Văn Quý, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.
“Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành nghị định 143 – HĐBT về việc thành lập Bộ Tư pháp và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ tư pháp. Tôi là một trong số hơn 60 cán bộ vinh dự được công tác tại cơ quan bộ ngay khi Bộ Tư pháp mới được thành lập lại.
Gần 30 năm công tác, gắn bó với ngành tư pháp đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tin chắc rằng tôi cũng như những đồng nghiệp cùng thời với tôi sẽ để mãi mãi trong ký ức của mình những kỷ niệm buồn vui về công việc, nhiệm vụ cũng như những hoạt động của ngành tư pháp, đặc biệt là trong những ngày đầu mới được thành lập.
Có lẽ cũng nên nói một chút về những khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển của ngành để các bạn trẻ nhận ra sự phát triển nhanh chóng của ngành, để các bạn tự hào về ngành và nhận ra rằng các bạn đang sống và làm việc tại Bộ Tư pháp, các bạn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là những khó khăn từ thực tế cuộc sống; nhưng những khó khăn của các bạn bây giờ so với những khó khăn của ngày mới thành lập Bộ thật chưa thấu vào đâu. Thời đó, cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp nói riêng và cán bộ, công chức cũng như nhân dân cả nước nói chung “cơm chưa đủ ăn”, “quần áo chưa đủ ấm”. Thời đó là thời của “tem phiếu”, mọi thứ đều phải có tem phiếu: cán bộ được tiêu chuẩn phiếu vải 6m/năm/người; phiếu thịt 0,35kg/tháng/người… Tuy tiêu chuẩn tem phiếu cấp phát là như vậy nhưng không phải ai và bao giờ cũng tìm mua được đủ các tiêu chuẩn trên, thậm chí nhiều người không đủ kiên trì để tìm nơi mua, xếp hàng để mua mà phải bán lại cho “con phe” chợ đen để lấy được một số kinh phí ít ỏi. Các khó khăn kể ra thì rất nhiều, tin chắc các bạn không thể hình dung ra và không thể tin nổi, nhưng thực tế là như vậy. Khó khăn trong cuộc sống, khó khăn cả trong công việc, trong các điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày đó, phòng làm việc thì chật chội, đa số lãnh đạo và nhân viên cùng ngồi chung một phòng. Các phòng làm việc thì đông người nhưng không có quạt điện, không có điều hòa. Đa số hai cán bộ ngồi chung một bàn, không có máy vi tính, soạn thảo văn bản xong, thủ trưởng đơn vị ký đề nghị lãnh đạo văn phòng duyệt cho đánh máy. Cả Bộ chỉ có một phòng đánh máy với khoảng 5 đến 6 cái, giấy viết không đủ, phải tận dụng cả giấy đã in hoặc đánh máy một mặt để soạn thảo văn bản.
Các khó khăn thì vô vàn, kể ra không bao giờ hết. Tuy nhiên, cán bộ công chức không bao giờ bi quan, làm việc nhiệt tình và luôn tin tưởng vào tương lai. Ngày đó lãnh đạo các đơn vị hầu như không bao giờ phải nhắc nhở cán bộ về giờ giấc làm việc; không có ai đi muộn, về sớm. Mọi người đều nhận thức răng việc đảm bảo giờ giấc làm việc là đương nhiên, là một điều hết sức bình thường. Đầu giờ làm việc buổi sáng, đơn vị (cơ sở) đều tập trung đọc báo 15 phút, vừa để cán bộ nắm thông tin, thời sự, vừa để chút thời gian triển khai công việc.
Đó là một vài kỷ niệm, một vài ký ức từ thời xa xưa khi Bộ ta mới thành lập, những ký ức này hoàn toàn sự thật, nếu các bạn còn nghi ngờ các bạn có thể trao đổi với bất kỳ ai đã sống và làm việc giai đoạn đó đều có thể nhận được những điều tâm sự tương tự. Những thiếu thốn về cơ sở vật chất, về điều kiện làm việc của các cơ quan nhà nước nói chung đều khó khăn nhưng đối với bộ ta là một bộ mới được thành lập thì những khó khăn đó lại càng tăng lên gấp bội, Chúng ta thiếu đội ngũ cán bộ (mới có trên 60 người), đội ngũ cán bộ lại chắp vá, thiếu ổn định, chủ yếu được điều từ nhiều cơ quan khác nhau, đa số chưa được đào tạo luật cơ bản, thậm chí có những người tốt nghiệp cử nhân dược, sư phạm, thủy sản, nông nghiệp… đủ mọi ngành nghề được bố trí công tác ở Bộ ta. Chỉ có một số rất ít tốt nghiệp đại học ở Liên Xô cũ, cộng hòa dân chủ Đức và ở trong nước (khóa 1, khóa 2 đại học Luật) chủ yếu mới ra trường, thiếu kinh nghiệm. Cả Bộ không có ai có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chưa có ai có ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp. Mỗi khi có văn bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp phải đi những cơ quan khác dịch; mãi một vài năm sau khi Bộ thành lập mới tuyển được một vài người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ về cơ quan nhưng lại không có chuyên môn luật. Đó là những khó khăn, trở ngại rất lớn đối với một Bộ mới được thành lập so với các đơn vị khác trong khối nội chính là những cơ quan được ra đời ngay từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, các cơ quan đó đã tương đối ổn định, như Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ)…
Đứng trước thực trạng cơ quan vừa thiếu cán bộ, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đồng chí Phan Hiền - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc bấy giờ đã có chủ trương một mặt vừa tăng cường về số lượng, vừa có biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đồng chí Bộ trưởng đã có chủ trương coi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Xuất phát từ quan điểm trên, Bộ một mặt đề xuất với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ban Khoa giáo Trung ương, các ngành, các cấp ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp, ưu tiên cho một ngành sau thời gian dài mới được thành lập, một ngành mà sau bao nhiêu năm giành chính quyền, nước ta vẫn chưa có trường đào tạo luật ở bậc đại học, mãi đến ngày 10/11/1979, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) mới có Quyết định 405-CP thành lập trường Đại học Pháp lý Hà Nôi (nay là Đại học Luật Hà Nội) đầu tiên ở nước ta, mặt khác, Bộ ta chủ động quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế qua con đường ngoại giao, con đường hợp tác để gửi cán bộ đi đào tạo; đồng thời về phía Bộ, Bộ càng chủ động tích cực tăng cường đào tạo trong nước, đào tạo bồi dưỡng tại chỗ.
Với việc đưa được ra chủ trương vừa tăng cường cán bộ về số lượng, vừa coi công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ là then chốt, là mũi nhọn, là công tác trọng tâm của ngành; Bộ Tư pháp đã đưa ra được một chủ trương đúng và chủ trương này đã được thực hiện thông suốt trải qua nhiều thời kỳ, nhiều Bộ trưởng liên tục từ ngày đầu thành lập cho đến nay cộng với sự nhận thức đúng đắn của cán bộ, công chức của ngành, vì thế tất cả cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp đã quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” vượt qua mọi khó khăn thử thách để phấn đầu không ngừng, xây dựng được một lực lương cán bộ tư pháp của cơ quan lớn mạnh, trưởng thành, đông về số lượng (trên 400 người), đổi mới về chát lượng: Cơ quan Bộ Tư pháp đã có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, trên 40 tiến sĩ, trên 100 thạc sĩ. Số cán bộ, công chức đi học ở nước ngoài về nếu tính cả tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật có trên 100 người cộng với hàng trăm cán bộ tuy học ở trong nước nhưng có trình độ ngoại ngữ có thể giao dịch và đọc tài liệu, nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài.
Ngoài trình độ về bằng cấp chuyên môn luật, ngoại ngữ, đội ngũ cán bộ công chức của Bộ ta còn có nhiều kinh nghiệm trong cá lĩnh vực xây dựng pháp luật, thẩm tra, kiểm tra văn bản QPPL, nghiên cứu khoa học pháp lý, trình độ công nghệ thông tin, tin học và quản lý… Tóm lại, với sự phát triển nhanh chóng của Bộ, ta có thể nói từ chỗ rất nhỏ bé (từ không tới có) đến nay đã lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, được đánh giá là một đơn vị mạnh trong khối nội chính trước đây. Có được những thành tựu như vậy, trước hết là do chủ trương đúng đắn của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cộng với sự nỗ lực cố gắng của các thế hệ cán bộ, công chức, đặc biệt là thế hệ trẻ đã không ngừng phấn đấu để xây dựng nên sự trưởng thành to lớn của ngành tư pháp như ngày nay. Sự trưởng thành đó đã cho tất cả chúng ta một bài học to lớn là: Dù cho có khó khăn đến đâu nhưng nếu chúng ta có chủ trương đúng, có quyết tâm cao, có niềm tin vào thế hệ trẻ, có sự đoàn kết tốt, nỗ lực phấn đấu không ngừng chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được ngành tư pháp ngày càng lớn mạnh hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nghiêm túc thừa nhận rằng: Thế hệ trẻ hiện nay tuy cũng còn rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống nhưng cũng đã thuận lợi hơn các thế hệ trước rất nhiều. Chúng ta có các điều kiện làm việc tương đối thuận lợi: Phòng làm việc máy lạnh, mỗi cán bộ 1 máy vi tính, thậm chí còn được trang bị máy vi tính xách tay với một số người, bàn ghế, tủ, máy in, máy photo, tài liệu tương đối đầy đủ… các điều kiện học tập được mở rộng: Học ngoại ngữ, học tin học, học chuyên môn, học thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước, thậm chí còn thừa nhiều chỉ tiêu đi học nước ngoài với những điều kiện, môi trường học tập tốt cũng như học bổng cao mà còn không có người đi học. Trước thực trạng thuận lợi là vậy, có nhiều thanh niên đã cố gắng, tận dụng tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn để phấn đấu, rèn luyện và học tập để vươn lên, nhưng cũng còn một bộ phận thanh niên chưa thực sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu, còn có sự ỉ lại, dựa dẫm, đưa ra các lý do cho sự chậm trể của mình. Có những điều như tôi đã đưa ra ở trên, các thế hệ đi trước cho là rất đơn giản, ví nó như một lẽ thường tình, đương nhiên mọi người phải thực hiện mà thực hiện tự nhiên không cần điều kiện gì như việc đi làm đúng giờ, giữ kỷ cương trong làm việc, hội họp và học tập. Nhưng những điều trước kia đơn giản là thế mà giờ thế hệ trẻ thực hiện vẫn thấy khó khăn làm sao, đó là việc lãnh đạo nhắc rất nhiều về giờ giấc làm việc, về kỷ cương hội họp, làm việc. Nhiều biện pháp đã được các đơn vị, các đoàn thể đưa ra như: Ghi tên người đi muộn, nhiều lớp học phải điểm danh, nhiều cuộc họp phải nhắc nhở… nhưng xem ra vẫn chưa có hiệu quả. Vẫn còn nhiều cán bộ đi làm không đúng giờ, trong đó có nhiều thanh niên. Nhiều cuộc họp, họp lúc đầu đông sau giải lao vắng dần và nếu họp cả ngày có khi đến cuối ngày vắng 1/3 hoặc 1/2 con số so với buổi sáng không biết vì lý do gì. Nhiều lớp học như ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, do chính thanh niên đề xuất nhưng khi khai giảng thì đông song chỉ những buổi đầu sau khi nhận tài liệu và học được một thời gian ngắn thì lớp học vắng dần thậm chí có những buổi học không đủ 1/3 quân số đăng ký gây lãng phí kinh phí và thời gian tổ chức của cơ quan, đặc biệt làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, nghiên cứu.
Trên đây là những điều tâm sự rất chân tình của tôi tới các bạn trẻ. Không phải tôi đánh giá cao thế hệ đi trước và đánh giá thấp thế hệ đi sau. Tôi chỉ muốn nêu những cái tốt rất giản dị, mộc mạc như một lẽ đương nhiên, thường tình thế hệ trước đã đạt được, mà ngày nay thực hiện lại cảm thấy rất nặng nề, khó khăn để các bạn xem xét thêm. Trong tôi luôn nhận thấy thế hệ trẻ bây giờ được đào tạo chính quy, toàn diện, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, lý luận. Qua công việc, nhiều công chức, viên chức trẻ thực sự có năng lực, triển vọng, luôn nhiệt huyết, sẵn sàng vượt qua thử thách để chứng minh năng lực, phẩm chất của mình, thể hiện được sự vươn lên của thế hệ trẻ. Tôi luôn tin tưởng vào thế hệ các bạn, các bạn đang có nhiều cơ hội để học tập, phấn đấu và sẽ có rất nhiều cơ hội để cống hiến, trưởng thành. Chúc các bạn thành công”.
Trong không khí của những ngày tháng 8 lịch sử, đặc biệt là hướng đến kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam, thông qua những nghĩ suy, trăn trở giản dị mà sâu sắc của thế hệ đi trước, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp hy vọng các bạn đoàn viên, thanh niên tiếp tục kế thừa truyền thống quý báu của Bộ, của ngành, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, giữ vững nhiệt huyết, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, góp phần nhỏ bé cùng với Bộ, ngành Tư pháp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
 
Tác giả: Vũ Văn Quý - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Biên tập: Ban Tuyên giáo của Đoàn Thanh niên Bộ.