Chuyện kể của cha tôi

05/07/2017
Chuyện kể của cha tôi
Tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm; thấm thoát mà đã mấy mươi năm, tôi đã đi qua một thời trai trẻ, một thời đạn bom, một thời bão lửa.
Cách đây hơn 40 năm tôi được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam bộ, thuộc đơn vị Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, Củ Chi- TP Hồ Chí Minh. Sư đoàn 9 được thành lập từ ngày 02 tháng 9 năm 1965, là đơn vị quân chủ lực đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng và cũng là đơn vị mạnh nhất lúc ấy, làm cho nhiều Sư đoàn thiện chiến của Mỹ Ngụy phải khốn đốn, kinh hoàng. Sư đoàn 9 (F9) còn có tên là Sư đoàn Đồng Xoài và mật danh “Công trường 9”. Nếu có dịp ai đó đi thăm quan các khu di tích lịch sử hãy đừng quên đến Đồng Du, huyện Củ Chi, ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, sẽ nhìn thấy tượng đài chiến sỹ Sư đoàn 9 sừng sững- đó chính là Sư đoàn tôi từng đóng quân.
Giờ đây, khi ngày 27/7 sắp đến, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ về các đồng đội và những trận đánh ác liệt mà chúng tôi đã trải qua. Trong những trận đánh không thể quên đối với tôi đó là các trận đánh để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phòng Sài Gòn.
Ngày 06/01/1973, chúng tôi được lệnh tiêu diệt cứ điểm gồm: Chi khu Dầu Tiếng (Bình Dương), Cứ Bến Củi (Tây Ninh), suối ông Hùng, Chơn Thành (Bình Phước).
Ngày 10/4/1975, khoảng 3h sáng, tôi và 02 đồng chí được lệnh “mở cửa” vào chi khu Dầu Tiếng (là bắn phá nhiều hàng rào kẽm gai và ổ súng hỏa lực của địch lấy lối cho quân ta tiến vào). Được lệnh, phát súng B41 của tôi đã phát hỏa thành một cột lửa phá bên lỗ châu mai của địch, cạnh tôi là một đồng chí bấm pin cho nổ mìn ĐH10 (loại mìn của ta giá sẵn khi nổ, khi ĐH10 nổ là quét sạch cả ngọn cỏ dài tới 10m) để phá hủy hàng rào dây thép gai địch ghim từ trước (thép gai được mắc nhiều loại- loại bùng nhùng hình lò xo 1m, nhiều hàng khác cao thấp khác nhau thấp dần xuống sát mặt đất, để khi có người chạy vào sẽ vướng mà ngã đè lên mìn của địch gài sẵn).
Thật không may, một anh tên là Phó (người quê Thái Bình) xông vào bị địch bắn ra, anh trúng đạn mất đà ngã lên dây kẽm gai phía trước mà hy sinh. Thấy thế, tôi không thể chần chừ vì nếu không tiến nhanh sát bờ tường có lỗ châu mai thì tầm đạn của quân Ngụy trên cao bắn ra ta sẽ bị trúng đạn. Tôi đành bước lên lưng anh Phó để nhảy vào trong bắn tiếp, lúc này vì ồ ạt tấn công nên anh Long (người quê Hà Nội) bị cháy xém một phần người do khói lửa ở B41 tôi phụt lại không kịp tránh. Tai tôi hoàn toàn không còn nghe thấy gì, chỉ nhìn anh em tiến lên là tôi làm theo (vì súng này bắn 1 quả là ù tai cả tuần mới hết). Lúc đó, tổ chúng tôi có 5 người dẫn đầu tiến lên trước, còn các tổ khác ở bên ngoài phòng thủ.
Bên ngoài, quân địch tập trung nhiều tiểu đoàn bao vây chúng tôi, đạn bắn vào xối xả không ngớt, đủ các loại, không thể nhô đầu lên được, quân địch làm lô cốt bằng việc gác các tấm tôn dày, trên phủ bao cát nhỏ, tường là các bao cát to. Bị chúng tôi đánh bất ngờ lúc chúng đang ngủ nên những xác chết để trần, tóc tai rũ rượi nằm phơi đầy. Vào đến các ngóc ngách hầm, chúng tôi đều lẳng 1 quả lựu đạn vào trong nên hầu như những tên địch không chạy kịp nằm đề lên nhau và để xác lại nơi này. Chúng tôi kéo hết xác trong hầm ra để lấy chỗ an toàn.
Tuy nhiên, ở các vị trí khác, quân địch có tính tiềm vọng, ống nhòm nhìn sang thấy được, do đó máy bay và pháo địch cũng hạn chế đánh vào, máy bay thì bay sát đầu nhưng không thả bom nữa, chỉ có đạn thẳng bắn như mưa…
Anh Xuân- tiểu đội trưởng của tôi trúng đạn chưa chết hẳn, nằm cách tôi khoảng 10m đau đớn, quằn quại, phải đến tối tôi mới bò ra được để băng tạm cho anh, để anh em tiếp viện chuyển ra ngoài đưa về tuyến sau. Tôi nhớ mãi buổi chiều trước khi ra trận, anh kể hết cho tôi từng người trong gia đình, có mẹ già ngoài 70 tuổi ở quê và mơ ước một ngày về thăm mẹ. Nhưng chúng tôi làm gì có ngày nghỉ phép như đơn vị ngoài Bắc. Bị thương cụt tay, chân mà còn nằm ở hậu cứ, chưa có điều kiện được ra ngoài lán trại chữa trị nữa.
Hôm đó, trời nắng gay gắt, nằm ở chốt chỉ có tôi và 3 người, nhưng ai cũng như ai, tối không ngủ, ngày không cơm, không nước uống, có cho ngủ cũng không dám vì bên ngoài quân địch lổm ngổm mũ sắt bao vây, toàn thân chúng tôi đau nhừ vì có được đứng lên lúc nào đâu. Nói ra chuyện này chắc các bạn không tin, anh nọ đái ra mũ sắt của những thằng địch chết để cho anh kia uống cho đỡ khát, mỗi người có một nắm cơm cho vào túi đeo cạnh người thì đất cát đã vào đầy không ăn được. Đói thì chịu được chứ khát thì khổ lắm.
Có anh Quốc Bảo sinh năm 1950 cố bò ra ngoài tìm nước thì bị một băng đạn cực nhanh (AR15) của địch phục sẵn vì chúng biết chúng tôi thế nào cũng bò ra, do thiếu thốn “đầy đủ”.
Một mình tôi giữ 5 khẩu súng, 1 khẩu B41 của tôi, một khẩu trung liên có càng của anh Bảo và 3 khẩu AR15 của những tên địch chết ta lấy được. Sau bức tường đổ phía trước, cứ phát hiện được quân địch tập trung nhiều là tôi tặng cho 1 quả B41, quân địch không dám xông lên.
Đến thứ 2 ngày 12/4/1975, một đồng chí tên Nhất (quê Hải Phòng) bò vào tiếp tế đạn cho tôi và thông báo chúng tôi không được rút, ngày mai (ngày 13) quân ta sẽ tổng công kích các cứ điểm vì đã được tiếp viện bổ sung quân có cả xe tăng. Anh Nhất cõng xác anh Bảo ra, chúng tôi ở lại.
Đúng ngày hôm sau, có sự kết hợp giữa các đơn vị chủ lực và dân quân du kích, lực lượng địa phương, chúng ta đã tiêu diệt phá tan một cụm Dầu Tiếng- Bến Củi- Sông Ông Hùng, một địa bàn quan trọng ở phía Tây Bắc, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực ta triển khai tiến vào giải phóng Sài Gòn sau này.
Đêm hôm sau, đơn vị tập kết ra ngoài thị trấn Dầu Tiếng để bổ sung quân, điểm lại quân số… tất cả còn lại 09 người nhìn nhau khóc không ai nói một câu. Trong không gian nặng nề nhưng khi Thủ trưởng mới được cử đến thông báo tình hình chuẩn bị cho chiến dịch mới thì trong mỗi người lại hừng hực khí thế muốn chớp lấy thời cơ giải phóng Sài Gòn để làm vui lòng đồng đội đã ngã xuống hôm qua.
Vào chiến dịch Hồ Chí Minh, một chiến dịch quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, Sư đoàn 9 chúng tôi lại hoạt động cùng Binh đoàn 238 của Bộ Quốc phòng tiến về giải phóng Long An (Hướng này Sư đoàn 9 đã thực hiện thành công trong tổng tiến công Mậu Thân 1968 nên có nhiều thuận lợi), khống chế đường số 4, mở cửa tiến công theo hướng Tây Nam vào nội đô Sài Gòn, chiếm biệt khu nội đô và tổng nha cảnh sát của Ngụy; kết hợp với các đơn vị bạn đánh thẳng vào dinh Độc Lập, tổng hành dinh cuối cùng của địch.
Từ ngày 22/4-28/4, từ Tây Ninh vượt sông Vàm Cỏ Đông vào Sài Gòn- Gia Định, có sự dẫn đường của nhân dân và bộ đội địa phương, bộ đội Sư đoàn 9 đã dùng ni- lông làm phao bơi để đi cho nhanh kịp giờ vào Dinh Độc lập. Trên đường đi nhiều anh đã qua sông mà mãi mãi không về, dòng sông Sài Gòn là dòng sông máu lửa, hồn các anh như còn chơi vơi trên sông nước.
Vinh dự trong 10 năm đánh đế quốc Mỹ, sư đoàn 9 chúng tôi đã tham gia 18 chiến dịch ở miền Đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia đánh 15 000 trận, tiêu diệt làm thiệt hại nặng 01 Sư đoàn và 14 Lữ đoàn, 23 trung đoàn, 127 tiểu đoàn bộ binh của Mỹ Ngụy, loại khỏi vùng chiến đấu trên 193.813 tên địch, bắt sống gần 10.000 tên.
Hiện nay, tôi là người trong Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 9 tại Hải Phòng nên có tài liệu của anh Hồng Quảng, tôi được biết trong chiến dịch Hồ Chí Minh đến ngày 30/4/1975, trong niềm vui chung của cả nước, đơn vị Sư đoàn 9 vô cùng đau sót và ngậm ngùi tưởng nhớ tới 49 đồng chí cán bộ chiến sỹ đã hy sinh tại vùng nội đô Sài Gòn, không được nhìn thấy ngày toàn thắng của dân tộc mà chính họ đã chắc ngày đại thắng đã đến gần, bên cạnh là 137 người bị thương trong chiến dịch.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn hằn sâu nỗi đau trong cuộc đời mỗi người lính, ai đã viết về các anh, chỉ có chúng tôi những người đồng đội? Ai đã hiểu được các anh, chỉ đồng đội các anh đã từng rơi nước mắt. Tôi chưa thể thay mặt cho 11.000 liệt sỹ của sư đoàn 9 anh hùng viết hết trang lịch sử này.
Năm nay, khi đất nước kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ; chúng tôi- những người lính xin thắp nén hương tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc và nguyện sống xứng đáng với truyền thống bản chất anh bộ đội Cụ Hồ.
 
                          P.T.T -  Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự