Chi bộ Vụ PBGDPL sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

19/05/2017
Chi bộ Vụ PBGDPL sinh hoạt chuyên đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Hướng tới kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kế hoạch số 48-KH/ĐU ngày 10/5/2017 của Đảng ủy Bộ Tư pháp, ngày 12/5/2017 Chi bộ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Cao Xuân Thủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể; các đồng chí đại diện các Đảng bộ, Chi bộ thuộc khối báo chí xuất bản của Bộ Tư pháp và toàn thể đảng viên, công chức Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Xuân Lân, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Chi bộ, Báo cáo viên Trung ương đã trực tiếp biên soạn và giới thiệu 02 tư tưởng của Bác về “Viết ngắn” và “chữa bệnh cấp bậc, ngôi thứ trên nền tảng tư tưởng dĩ công vi thượng” trong hai tác phẩm “Cách viết” (bài nói chuyện của Bác với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành nghề tại Trường chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1952) và tác phẩm “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” (In trên Báo sự thật ngày 15/7/1950). Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự đã thảo luận, cùng vận dụng vào thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong hoạt động báo chí, viết tin bài cũng như tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Về cách viết, theo Bác cần phải viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy vì trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Để viết ngắn, viết tốt, theo Bác người viết phải trả lời được các câu hỏi vì ai mà mình viết, mục đích viết để làm gì, viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và lấy tài liệu đâu để viết. Theo Bác, viết là để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội, không nên chỉ viết về cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn, chứ không phải để cho địch lợi dụng, để nó phản tuyên truyền. Muốn viết tốt, viết ngắn thì phải có tài liệu. Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là nghe (lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào), hỏi (hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi), thấy (mình phải đi đến, xem xét mà thấy), xem (xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài), ghi (những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được thì chép lấy để dùng và viết) và phải xem cho rộng. Bác cũng nhắc nhở người viết cần tránh cái lối viết “rau muống”, vì viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Đây chính là bài học quý giá để các đảng viên, công chức, nhất là những người làm công tác báo chí, xuất bản, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần học tập và vận dụng sáng tạo trong công việc.
Chỉ ra những biểu hiện, nguyên nhân và kết quả của bệnh cấp bậc, vì bệnh cấp bậc mà cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy, Bác nhắc nhở: “Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình”, từ đó Người khẳng định: “Bất kỳ cán bộ nào, khi đã được Chính phủ và đoàn thể uỷ cho họ quyền lãnh đạo, thì cán bộ cấp dưới nhất định phải phục tùng họ. Đó là phục tùng Chính phủ và đoàn thể, chứ không phải phục tùng cá nhân ai”. Để chữa bệnh này, Người dạy rằng, phải “dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân; đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết...”.
Qua nội dung được Báo cáo viên truyền đạt tại hội nghị, các đại biểu đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những chuẩn mực, tinh hoa trong cách viết, cách suy nghĩ, trong lối sống của Người. Thông qua buổi sinh hoạt cũng là dịp để mỗi cá nhân, công chức, đảng viên Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật được trang bị thêm kỹ năng, hiểu biết cũng như củng cố tư duy về lề lối làm việc, cố gắng phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Người.
Cũng tại Hội nghị, thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Bộ Tư pháp, đồng chí Đỗ Xuân Lân, Bí thư Chi bộ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã trao quyết định công nhận đảng viên chính thức đối với 03 đồng chí: Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Kim Thoa và Hoàng Hồng Sen.
Chi bộ Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật