Trong những ngày mùa thu Tháng 8 lịch sử, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phối hợp với Khối pháp chế Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PV Com Bank) tổ chức chương trình “Về nguồn” tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh trong 02 ngày cuối tuần (ngày 27 và 28/8/2016). Đoàn đã dâng hương, hoa tưởng niệm tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt tại Ngã Ba Đồng Lộc.
Mảnh đất Quảng Bình, khúc ruột miền Trung vừa có hình ảnh hùng vĩ của những dãy núi trùng điệp, màu xanh thẳm của đại ngàn, vừa mang vị mặn mòi của biển - Vùng đất mà Đại tướng đã sinh ra, lớn lên và về an nghỉ khi qua đời. Nơi Đại tướng chọn để an nghỉ sau khi trải qua những năm tháng hào hùng cống hiến cho non sông, đất nước là địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến dưới chân Đèo Ngang, con đèo "đệ nhất hùng quan", địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, có phong cảnh hữu tình, thơ mộng và kì vĩ. Địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang (ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 6 km về hướng Đông Nam, cách Quốc lộ 1A khoảng 3 km. Nơi đây có địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi ba đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (hay còn gọi là Đảo Yến). Với diện tích khoảng 10 ha, Vũng Chùa hướng ra biển Đông, nhưng do được bao bọc xung quanh bởi các hòn đảo, quanh năm kín gió, là nơi neo đậu thuyền bè trong những ngày gió bão nên người dân địa phương thường quen gọi là "vũng".
Đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp chia sẻ:
“Tôi tự hào cùng với các bạn đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp và PV Com Bank được đến viếng mộ Đại tướng vào những ngày mùa thu Tháng 8 lịch sử, trong không khí chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9, kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Ngành Tư pháp. Chốn yên nghỉ của Đại tướng nhìn ra biển Đông lộng gió như một thông điệp nhắn gửi đến thể hệ trẻ cả nước nói chung, thế hệ trẻ Bộ Tư pháp và PV Com Bank nói riêng về chủ quyền biển đảo quê hương thiêng liêng của Tổ quốc mà mỗi chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn và bảo vệ”. Dâng những nén tâm nhang trước mộ Đại tướng, các thành viên trong đoàn có chung tâm trạng bồi hồi, xúc động và cảm nhận được hào khí từ Người - Một vị tướng vĩ đại trong lòng Nhân dân.
Tiếp tục hành trình, Đoàn đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã Ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
Chính tại nơi đây, vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Xác định mục tiêu hiểm yếu và quan trọng đó nên không quân Mỹ đã liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này được mệnh danh là
“tọa độ chết”. Theo thống kê, mỗi mét vuông đất nơi đây gánh 03 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch Mỹ đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường, trong số đó phải kể đến tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ do chị Võ Thị Tần (24 tuổi) làm Tiểu đội trưởng đang san lấp hố bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua thì máy bay của Không quân Mỹ tiếp tục quay trở lại dội bom xuống vị trí nơi Tiểu đội đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Mười cô gái của Tiểu đội 4 gồm các chị: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc. Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam.
Trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, các bậc tiền nhân cách mạng, đồng chí Hồ Quang Huy - Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Bộ và ông Trịnh Thế Phương - Giám đốc Khối pháp chế của PV Com Bank đã thay mặt đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp và PV Com Bank nguyện hứa sẽ ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian tới, bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, tuổi trẻ Bộ Tư pháp và PV Com Bank sẽ tiếp tục phối hợp triển khai hoạt động về nguồn, hoạt động tình nguyện, trong đó có việc sớm khảo sát, xây dựng Nhà tình nghĩa để trao tặng cho gia đình chính sách, gia đình có công với Cách mạng./.
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp