Đây là khẳng định của các chuyên gia tham dự Hội thảo “Các quy định pháp luật và thực tiễn định giá tài sản trí tuệ (TSTT) trong các doanh nghiệp (DN) phục vụ việc cổ phần hóa và giải quyết tranh chấp” do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức vào ngày 10/9/2009.
Mới quan tâm đến quyền sở hữu
Hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam về TSTT chủ yếu bao gồm các chế định điều chỉnh vấn đề sở hữu TSTT (sở hữu trí tuệ - SHTT) và quyền sở hữu đối với TSTT (quyền SHTT). Chúng ta đã xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống pháp luật về SHTT trên cơ sở tập hợp khoảng 50 văn bản về hoặc liên quan tới SHTT do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành và các điều ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam là thành viên.
Theo phân tích của các chuyên gia, hệ thống văn bản pháp luật trên hiện điều chỉnh những nội dung sau đây: nguyên tắc đối xử với TSTT và quyền SHTT, mục đích, nguyên tắc và các chính sách bảo hộ quyền SHTT; điều kiện, căn cứ phát sinh, xác lập các quyền SHTT; trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT; nội dung, giới hạn của các quyền SHTT; bảo vệ quyền SHTT; hỗ trợ, bổ trợ hoạt động bảo hộ quyền SHTT. Ông Nguyễn Hữu Cẩn (Viện Khoa học SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết thêm, hệ thống này được đánh giá là cơ bản phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Bỏ ngỏ khía cạnh kinh tế của TSTT
Tuy nhiên, thiếu hụt lớn nhất hiện nay trong hệ thống pháp luật của Việt Nam về TSTT là thiếu chế định đồng bộ và chi tiết về các khía cạnh kinh tế của TSTT, đặc biệt là các quy định về xác định giá trị (định giá) TSTT. Mặc dù có khoảng 15 văn bản pháp luật liên quan tới định giá TSTT nhưng các văn bản hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề này mà mới chỉ có những quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình – trong đó bao gồm một số loại TSTT. Chẳng hạn, nguyên tắc và phương pháp kế toán tài sản cố định vô hình, nguyên tắc theo dõi ghi sổ và hạch toán giá trị TSTT, nguyên tắc coi giá trị của một số loại TSTT là một căn cứ để xác định giá trị thực tế của DN trong hoạt động cổ phần hóa… Các chuyên gia cho rằng, các nguyên tắc đó bộc lộ không ít điểm bất cập như bỏ qua hàng loạt các TSTT thực thụ trong quá trình định giá, không xem xét đến giá trị thị trường hoặc giá trị lợi ích tương lai của TSTT…
ThS. Nguyễn Thị Tuyết (Đại học Luật Hà Nội) nhận định, Bộ luật Dân sự không có quy định riêng áp dụng cho TSTT trong khi Luật SHTT lại chỉ quy định nội dung bảo hộ và thực thi quyền SHTT mà không đề cập cụ thể đến các khía cạnh dân sự, thương mại của TSTT. Trong giai đoạn các DN nhà nước đang tiến hành mạnh mẽ việc chuyển đổi thành các công ty cổ phần thì đây là một vấn đề gây bức xúc. Bởi muốn cổ phần hóa, DN phải xác định được giá trị tài sản của mình nhằm tính toán vào giá trị cổ phần của các cổ đông. Bà Tuyết kiến nghị, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng một phương pháp xác định giá trị tài sản của DN một cách thống nhất, chính xác khi cổ phần hóa.
Ông Cẩn còn lý giải, sự thiếu hụt trên đã gây ra nhiều vướng mắc khi mà chế định định giá TSTT vừa là cơ sở pháp lý vừa là căn cứ thực hiện rất nhiều hoạt động thực tiễn của DN gồm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng TSTT, sáp nhập và mua lại DN, tiết kiệm chi phí, góp vốn, đầu tư, liên doanh, cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu, vay vốn, giải quyết tranh chấp… Ông Cẩn nhấn mạnh, việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về định giá TSTT của Việt Nam không chỉ là một trong những nhiệm vụ thuộc khuôn khổ hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về TSTT và quyền SHTT mà còn là đòi hỏi của bản thân nền kinh tế, môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của các DN.
Hoàng Thư