Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có ý kiến về Quyết định số 64/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hồ Chí Minh

01/09/2009
Trước nhiều thông tin đại chúng phản ánh Quyết định số 64/2009/QĐ-UBND ngày 31/7/2009 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung cần phải xem xét để bảo đảm quyền kinh doanh và tính khả thi của văn bản, ngày 31/8, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã chính thức có Công văn số 102/BTP-KTrVB gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan liên quan bày tỏ quan điểm của Cục về tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của Quyết định này.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Cục KT) khẳng định, việc UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản để quản lý, kiểm soát việc kinh doanh nông sản, thực phẩm nhằm góp phần từng bước xây dựng, ổn định trật tự văn minh đô thị, bảo đảm sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng trên địa bàn thành phố là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, văn bản quy định về vấn đề này cần phải phù hợp với pháp luật hiện hành và bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

Quyết định số 64 có một số mội dung cần phải được xem xét, xử lý nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Cụ thể, Khoản 2 Điều 1 của Quyết định quy định: Các mặt hàng thuộc nhóm 46321, 46322, 46323 (gồm: Thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế và nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm; các loại rau, củ, quả tươi, đông lạnh...) chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi”, trong khi đó, hiện nay khái niệm và tiêu chí đối với “cửa hàng văn minh tiện lợi” chưa được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào. Chính vì vậy, việc đưa ra một khái niệm chưa được pháp luật quy định và cũng không được giải thích trong Quyết định số 64 sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất trong cách hiểu về khái niệm này, từ đó dẫn đến việc thực hiện quy định này sẽ gặp khó khăn, không thống nhất và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể đã được Hiến pháp và các pháp luật có liên quan quy định, đặc biệt là các chủ thể (hộ gia đình, cá nhân kinh doanh) đã có giấy phép hoặc đủ các điều kiện kinh doanh và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm để kinh doanh các mặt hàng này nhưng hiện tại không kinh doanh tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại như quy định tại Quyết định số 64.

Hơn nữa, quy định các mặt hàng trên “chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi” là không khả thi, nhất là đối với khu vực các huyện ngoại thành của Thành phố. Vì vậy, việc UBND thành phố chỉ cho phép hoạt động kinh doanh bán lẻ các mặt hàng thuộc nhóm 46321, 46322, 46323 tại 4 địa điểm trên là chưa phù hợp với thực tế, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh những mặt hàng này.

  Ngoài ra, một số nội dung trong Quyết định chưa rõ ràng, mâu thuẫn nhau, chưa đảm bảo tính thống nhất trong nội tại của văn bản, dễ dẫn đến việc có nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó khó áp dụng hoặc áp dụng không đúng mục đích của cơ quan ban hành văn bản.

Vì thế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị UBND thành phố sớm tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý đối với những nội dung chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi như đã nêu ở trên của Quyết định số 64 và thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.

Quyết định 64 thể hiện sự quyết tâm của UBND TP.Hồ Chí Minh trong việc chấn chỉnh tình trạng kinh doanh nông sản thực phẩm tại các chợ tự phát, nhằm bảo đảm  vệ sinh an toàn thực phẩm và mỹ quan của Thành phố. Theo khoản 2, điều 1, QĐ 64, các nhóm hàng gồm: Thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế và nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm (thuộc nhóm 46321); hàng thủy hải sản tươi, đông lạnh, khô, mắm (thuộc nhóm 46322); và các loại rau, củ, quả tươi, đông lạnh (thuộc nhóm 46323) chỉ được bán trong các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi. 

Như vậy,  tất cả các điểm kinh doanh tự phát, kinh doanh lề đường, những hộ bán lẻ nằm rải rác ngoài chợ hoặc các hộ kinh doanh lẻ trong hẻm, khu phố... sẽ phải ngưng kinh doanh các mặt hàng này?

Nguyễn Đình Thơ