Hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Cần thiết phải thành lập Hội đồng.

21/08/2009
Hôm qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN) đã họp phiên thứ nhất.

Chỉ thành lập khi mức yêu cầu từ 50 triệu trở lên

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Nghị định này có quy định mới là việc thành lập Hội đồng giải quyết bồi thường. Hội đồng có nhiệm vụ thực hiện việc xác minh thiệt hại theo quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN; cử đại diện thương lượng việc giải quyết bồi thường theo quy định của Điều 19 và kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức bồi thường và phương thức bồi thường. Tuy nhiên, theo ông Tịnh, để tránh gia tăng công việc cho cơ quan nhà nước, Dự thảo Nghị định quy định chỉ trong trường hợp mức yêu cầu bồi thường thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên thì Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường mới phải thành lập Hội đồng.

“Luật TNBTCNN không quy định về Hội đồng giải quyết bồi thường, tại sao lại đưa vào Nghị định hướng dẫn”, ông Đỗ Văn Đương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “chất vấn”. Ông Tịnh lý giải “Luật không quy định nhưng giao cho các cơ quan, và thực tế nếu không có Hội đồng để làm chức năng tư vấn thì mọi chuyện sẽ “rối như một mớ bòng bong”. Cứ nhìn vào công tác giải phóng mặt bằng thì thấy, người ta còn phải thành lập Hội đồng tư vấn ở nhiều cấp”.

Nhiều ý kiến trong Ban soạn thảo đồng tình với ông Tịnh và cho rằng quy định về Hội đồng giải quyết bồi thường là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang, Tòa án nhân dân tối cao thì Dự thảo Nghị định chỉ quy định thành lập Hội đồng khi mức yêu cầu từ 50 triệu trở lên. Còn dưới 50 thì sẽ phải giải quyết theo cơ chế nào? Ai làm?

Một ý kiến khác đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm liên đới của các thành viên Hội đồng trong trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả quyết định theo đa số nhưng sau đó, quyết định này không chính xác.

60 tháng lương tối thiểu là thấp?

Theo Luật TNBTCNN, Nhà nước đứng ra bồi thường, sau đó người thi hành công vụ phải hoàn lại cho nhà nước. Dự thảo Nghị định xác định nguyên tắc hoàn trả như sau: đối với người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì phải bồi thương một phần nhưng tối đa không qúa 30 tháng lương tối thiểu.

“Đã xác định là lỗi cố ý thì nên phải hoàn trả toàn bộ”, bà Tạ Thị Mão, Bộ Nội vụ cho ý kiến. Riêng với lỗi vô ý, theo bà Mão, nếu người gây thiệt hại đó không có đủ khả năng để hoàn trả thì nên trừ 20% lương tối thiểu hàng tháng để hoàn trả cho nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Trương Huỳnh Thắng, Bộ Tài chính thì nếu làm phép tính 60 tháng lương tối thiểu tại thời điểm hiện nay thì chỉ bằng trên 39 triệu, còn 30 tháng thì cũng chỉ hơn 19 triệu. “Nhiều vụ mức bồi thường là rất lớn, mà người phải hoàn trả ít như vậy thì gánh nặng tài chính sẽ đặt lên vai nhà nước. Cần phải tính toán để nâng mức này lên”. Ông Thắng nói.

Một băn khoăn khi bàn đến quy định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ của phần lớn các thành viên trong Ban soạn thảo là với đồng lương hạn hẹp của các công chức nhà nước thì việc tính hoàn trả bao nhiêu để vừa cân bằng giữa lợi ích của nhà nước và đảm bảo cuộc sống cho người thi hành công vụ là việc phải cân nhắc kỹ. Trong nhiều trường hợp cán bộ, công chức gây thiệt hại nhưng lỗi là tổng hợp chứ không chỉ riêng ý trí chủ quan của họ.

Về vấn đề xác định mức hoàn trả nêu trên, thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng lưu ý: cần xem lại quy định này có thuộc thẩm quyền của Nghị định hay không vì đây là những vấn đề rất mới.

Thu Hằng

Hội đồng giải quyết bồi thường có nhiệm vụ thực hiện việc xác minh thiệt hại theo quy định tại Điều 18 Luật TNBTCNN; cử đại diện thương lượng việc giải quyết bồi thường theo quy định của điều 19 và kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức bồi thường và phương thức bồi thường.

(Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước)