Bộ Tư pháp hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Đây là một đạo luật luôn được cho là rất nhạy cảm nhưng cần thiết để hiện thức hóa chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngày 1/7, Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cũng đã họp đánh giá về dự thảo Luật này.
Chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, còn có các ý kiến khác nhau xung quanh việc xác định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Sau khi nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước và căn cứ vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam, Bộ Tư pháp thấy rằng, trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền TCTT phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và nhân dân.
Vì thế, theo Điều 4 của Dự thảo Luật, chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan nhà nước (bao gồm cả cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp) - những cơ quan thực hiện quyền lực công, nắm giữ những thông tin mà nhân dân cần được biết để một mặt tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mặt khác, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan này. Trong số đó, có thể thấy chủ thể liên quan nhất là các cơ quan hành chính nhà nước
Chủ thể được quyền TCTT
Về quyền TCTT, Điều 7 Dự thảo Luật khẳng định mọi công dân, tổ chức được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam đều có quyền TCTT. Đối với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cũng có quyền được tiếp cận đối với các thông tin liên quan đến họ hoặc lĩnh vực hoạt động của họ.
Vì thực hiện quyền TCTT không có nghĩa là thực hiện quyền chất vấn. Do đó, Dự thảo Luật cũng xác định nội hàm của TCTT là xem, nghe, đọc, ghi chép, trích dẫn, sao chép, chụp hồ sơ, tài liệu; được trả lời trực tiếp, được nhận bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu, trừ hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh (khoản 3 Điều 3). Để thực hiện quyền này, Điều 9 Dự thảo Luật quy định hai phương thức TCTT, đó là: TCTT được công bố công khai rộng rãi và TCTT theo yêu cầu.
Phải công bố những tài liệu bắt buộc trên trang thông tin điện tử
Dự thảo Luật được xây dựng theo hướng: các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4, HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thiết lập và vận hành trang thông tin điện tử. Đó là biện pháp bảo đảm quyền TCTT thông qua việc yêu cầu các cơ quan cung cấp thông tin phải đăng tải và phổ biến rộng rãi những tài liệu bắt buộc phải công bố và có thể được công bố mà các cơ quan này đang nắm giữ. Thực tế cho thấy, việc TCTT của người dân có hiệu quả hay không tuỳ thuộc vào việc các cơ quan nắm giữ thông tin có chủ động và tích cực đăng tải để công bố công khai rộng rãi các loại thông tin do mình nắm giữ. Trang thông tin điện tử là một phương tiện quan trọng để đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan.
Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin nhưng lại chưa có quy định, chưa quy định rõ hoặc quy định chưa phù hợp về trình tự, thủ tục TCTT, dẫn đến thực tế thông tin được công khai nhưng người dân vẫn khó tiếp cận, Dự thảo Luật xác định rõ mối quan hệ giữa Luật TCTT và các luật khác có liên quan, theo đó Luật này áp dụng chung cho việc TCTT; trong trường hợp luật khác có quy định khác rộng hơn về phạm vi thông tin được tiếp cận, thuận lợi hơn về trình tự, thủ tục TCTT thì áp dụng quy định của luật đó (Điều 12).
Nhằm khắc phục tình trạng hiện nay, Dự thảo Luật cũng xác định rõ các thông tin được tiếp cận và thông tin không được tiếp cận hoặc chưa được tiếp cận. Theo đó, thông tin được tiếp cận là thông tin được công bố công khai rộng rãi và thông tin tiếp cận theo yêu cầu (Điều 5). Thông tin không được tiếp cận gồm các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh; thông tin chưa được tiếp cận gồm thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thông tin đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo (Điều 6)./.
Huy Anh
Trên thế giới, tính đến năm 2009, đã có 86 nước ban hành Luật về quyền TCTT. Một số quốc gia khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị ban hành luật này hoặc ban hành các Nghị định riêng để điều chỉnh về vấn đề này. |