Đó là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong buổi Tọa đàm về “Ngày pháp luật” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 29/5/2009 tại Hà Nội. Mục đích của tọa đàm là lấy ý kiến của các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể để lên phương án đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước về việc hình thành ngày chủ điểm mang tính chất toàn quốc - ngày pháp luật.
Mô hình ngày pháp luật lần đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Hà Tây cũ cách đây 2 năm và sau đó là ở tỉnh Tiền Giang. Đây là sáng kiến của một số địa phương để triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Một trong những hiệu quả rõ rệt từ mô hình này là góp phần tạo dựng thói quen học tập, nghiên cứu và nâng cao hiểu biết pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Từ đó, pháp luật dần trở thành chuẩn mực xử sự cho các hành vi của nhà nước, các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức và của nhân dân, góp phần xây dựng trật tự pháp luật, bảo vệ pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Qua đánh giá bước đầu, đây được xem là cách làm hay, mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã tập trung làm rõ ý nghĩa, cơ sở pháp lý và thực tiễn của ngày pháp luật; xác định một ngày cố định trong năm làm ngày pháp luật; đề xuất quy mô, cách thức, nội dung tổ chức ngày pháp luật…
Đa số các đại biểu cho rằng ngày pháp luật sẽ là ngày để đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong toàn xã hội mà trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Một số ý kiến khác cho rằng, bên cạnh mục đích đề cao pháp luật, ngày pháp luật cũng là dịp để tôn vinh những người làm luật, thực thi pháp luật, giúp đưa pháp luật vào cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng không nên xác định trước nội dung, cách thức tổ chức mà nên tùy thời kỳ để xác định cho sát với nhu cầu của xã hội thì mới đảm bảo phát huy hiệu quả sâu rộng của ngày pháp luật.
Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí lấy ngày công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (09/11/1946) làm ngày tôn vinh pháp luật.
Trong thời gian tới, để tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của ngày pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ mở chuyên mục lấy ý kiến của bạn đọc về vấn đề này. Hy vọng rằng, mô hình ngày pháp luật sẽ sớm được triển khai trên phạm vi toàn quốc, để từ một “ngày pháp luật”, thói quen chấp hành pháp luật của tất cả mọi người, không phải chỉ thực hiện trong một ngày mà là thường xuyên, liên tục trong toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của đất nước hiện nay và mãi mãi về sau, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” sẽ trở thành nếp sống, phương châm sống của tất cả mọi người chứ không đơn giản chỉ là khẩu hiệu.
(Ngọc Khánh - Cục Công nghệ thông tin, ảnh Báo PLVN)