Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh giữa Việt Nam và Nhật Bản

16/03/2009
Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh giữa Việt Nam và Nhật Bản
Cạnh tranh là một trong những xu thế tất yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với nước ta, quốc gia đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh luôn thể hiện tính hai mặt khá rõ, nó có thể mang lại lợi ích kinh tế, lợi nhuận cho nhà kinh doanh này nhưng đồng thời là con đường dẫn đến sự thua thiệt, phá sản của doanh nghiệp khác. Trên thương trường, các chủ thể kinh doanh luôn sử dụng những biện pháp thậm chí là những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại đến lợi ích công cộng, nhà kinh doanh chân chính và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng.

          Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, ngày 03/12/2004 Luật cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2005 với mục tiêu hàng đầu là tạo môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, thiết lập một thị trường năng động, có trật tự kỷ cương, tạo tiền đề cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành và áp dụng, Luật Cạnh tranh nói riêng và chính sách về pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam nói chung vẫn thể hiện nhiều bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành khác cũng như chưa đem lại được tính hiệu quả cao, xứng tầm với các tiêu chí đã đề ra. Bên cạnh đó là sự non trẻ của lĩnh vực pháp luật này tại Việt Nam, các vấn đề thuộc lĩnh vực vi phạm cạnh tranh còn khá mới mẻ kể cả trên phương diện nghiên cứu, học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Theo đó, việc tiếp thu ý kiến đóng góp cũng như kinh nghiệm làm luật của các chuyên gia nước ngoài, những nước có nền khoa học pháp lý cạnh tranh phát triển là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với nước ta hiện nay.

          Liên quan đến vấn đề này, ngày 12 tháng 03 năm 2009, tại trụ sở Bộ Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đã có buổi gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật cạnh tranh với Giáo sư Makoto Kurita, tới từ trường đại học Chiba, Nhật Bản, thành viên nhóm nghiên cứu, đánh giá vai trò hỗ trợ pháp luật của Nhật Bản. Giáo sư Makoto Kurita từng nhiều năm công tác tại JFTC và hiện đang tham gia nhiều công trình nghiên cứu, dự án liên quan tới chính sách và pháp luật cạnh tranh. Nội dung chính của buổi trao đổi trọng tâm vào các vấn đề liên quan đến thực trạng thi hành chính sách, pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam. Thay mặt tổ nghiên cứu về pháp luật cạnh tranh, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh đã nêu ra một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình xây dựng, áp dụng đạo luật này tại Việt Nam như sự chồng chéo, mâu thuẫn của chính sách cạnh tranh đối với các chính sách pháp luật khác, khó khăn về nguồn lực quản lý, điều hành, thực thi, giám sát các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh cũng như trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc về cạnh tranh tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, liên quan tới các vấn đề mà Giáo sư Makoto Kurita đang tìm hiểu, các thành viên tổ nghiên cứu cũng đã trả lời câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách và pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam; vai trò, chức năng của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh; mối liên hệ giữa pháp luật cạnh tranh đối với pháp luật hình sự khi vụ việc vi phạm về cạnh tranh có yếu tố hình sự, những vấn đề về giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách cạnh tranh tại Việt Nam…

         Qua buổi trao đổi, Giáo sư Makoto Kurita gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ pháp luật Dân sự, kinh tế, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp; đồng thời bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, tham gia tổ chức đào tạo các khóa học ngắn hạn đối với các lĩnh vực liên quan tới chính sách và pháp luật cạnh tranh giữa hai nước.

Vũ Đức Dũng – VP CLB