Dự thảo Quy chế sửa đổi Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp mở rộng phạm vi điều chỉnh

23/10/2008
Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp được ban hành ngày 14/4/2004 (kèm theo Quyết định số 220/2004/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) tạo cơ sở pháp lý đưa các hoạt động của Bộ đi vào nề nếp, theo quy trình, thủ tục thống nhất, góp phần vào việc triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao của Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, nhiều văn bản mới đã được ban hành, trong đó có những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, phân công trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Đồng thời, thực tiễn thực hiện Quy chế cũng phát sinh những điểm bất cập, không còn phù hợp nên việc sửa đổi Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp nhằm đáp ứng được với yêu cầu tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. 

Dự thảo Quy chế được sửa đổi theo Quy chế làm việc mẫu của Bộ, cơ quan ngang Bộ (kèm theo Quyết định số 337/2005/QĐ-TTg) và các văn bản mới được, đặc biệt là Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Một điểm mới cơ bản của Dự thảo Quy chế đó là mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm những quy định về trách nhiệm, quan hệ công tác của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo cấp Phòng và tương đương và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là một trong những giải pháp để khắc phục những hạn chế của việc xây dựng, ban hành và nội dung của hệ các Quy chế của Bộ tồn tại trong một thời gian dài vừa qua. Hệ quy chế của Bộ cho đến nay bao gồm Quy chế làm việc của Bộ (năm 2004), các Quy chế quy định hoạt động chung của Bộ và các Quy chế Tổ chức và hoạt động của đơn vị. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tính từ năm 1993 trở lại đây thì chỉ có 16/24 đơn vị ban hành được Quy chế. Do trải qua một thời gian dài nên nội dung, bố cục của các Quy chế này có những điểm khác nhau. Nhiều quy định trong Quy chế của Văn phòng, Viện Khoa học pháp lý, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật được ban hành từ trước năm 2000 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn hoạt động của đơn vị. Trong khi đó, các Quy chế được ban hành sau năm 2000 lại có nhiều quy định trùng lặp về phạm vi trách nhiệm của lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng và công chức chuyên môn giữa Quy chế làm việc của Bộ với Quy chế các đơn vị và giữa các Quy chế với nhau.

Sau khi hoàn chỉnh bước đầu , Dự thảo Quy chế (gồm có 9 Chương và 48 Điều) được đơn vị chủ trì soạn thảo (Vụ Tổ chức cán bộ) gửi lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ. Các đơn vị đã góp ý có nhiều đồng tình (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật) với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Quy chế mới và cũng có đơn vị còn băn khoăn về phạm vi mở rộng và các nội dung cụ thể về phạm vi trách nhiệm của các cán bộ, công chức.

Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhưng đề nghị cần xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm của lãnh đạo cấp Phòng, mối quan hệ giữa cán bộ, công chức và lãnh đạo cấp Phòng. Theo Nghị định số 178 và Nghị định số 93, các đơn vị thuộc Bộ (trừ Vụ Thi đua khen thưởng) được tổ chức thành các Phòng. Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng nếu quan niệm lãnh đạo cấp Phòng chỉ là cấp trung gian, chủ yếu chịu trách nhiệm phân công và đôn đốc công việc mà không can thiệp vào nội dung xử lý công việc thì quy định như trong Dự thảo là phù hợp. Ngược lại nếu quan niệm lãnh đạo cấp Phòng chịu trách nhiệm cả về nội dung công việc thì cần thiết kế lại điều khoản này cho đầy đủ.

Thanh tra Bộ, Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị cân nhắc thêm về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo. Các đơn vị mặc dù nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo, tuy nhiên, phù hợp với tinh thần phân cấp, tăng cường trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị thì Dự thảo không cần thiết phải quy định cụ thể về trách nhiệm của lãnh đạo cấp Phòng và chuyên viên. Gắn với việc xác định rõ phạm vi trách nhiệm, Cục Trợ giúp pháp lý đề nghị quy định cụ thể hơn về các văn bản mà Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được ký thừa lệnh Bộ trưởng mà không quy định chung chung như trong dự thảo. Đồng thời phân biệt cần có sự phân biệt giữa các đơn vị tham mưu trong việc ký các văn bản thừa lệnh, bởi các đơn vị này không hoàn toàn giống các vụ tham mưu. 

Hiện nay, dự thảo Quy chế đang được nghiên cứu, hoàn chỉnh và các đơn vị thuộc Bộ vẫn đang tiếp tục gửi các ý kiến tham gia về đơn vị chủ trì soạn thảo.

Với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh lần này, đơn vị chủ trì soạn thảo mong muốn xây dựng dự thảo Quy chế phù hợp với Quy chế làm việc mẫu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn chỉnh các Quy chế tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ. Đây cũng là hình thức đã được một số Bộ thực hiện trong thời gian vừa qua. Thời gian tới đây, căn cứ vào Nghị định 93/2008/NĐ-CP và Quy chế làm việc của Bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ và Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào các văn bản này để ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của đơn vị mình.

Trần Thu Hường - Vụ Tổ chức cán bộ