Ngày 20/10/2008, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7 (ALAWMM 7), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã gặp Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà Xinh-ga-po và Bộ trưởng Tư pháp Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào để thảo luận về quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp song phương cũng như những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Tại hai cuộc gặp, các Bộ trưởng đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế, xã hội mỗi nước, bày tỏ vui mừng và đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Xinh-ga-po, Lào trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, cùng đóng góp cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Tư pháp Xinh-ga-po K Shanmugam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao việc Xinh-ga-po chủ trì Nhóm công tác về hài hoà hoá pháp luật thương mại trong ASEAN, cám ơn Xinh-ga-po đã ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại trong ASEAN. Hai Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước sẽ ngày càng được tăng cường cả về chất và lượng mà cụ thể là thông qua việc thực hiện Biên bản Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được ký kết trong chuyến thăm và làm việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam tại Xinh-ga-po từ ngày 11 đến 13 tháng 3 năm 2008. Hai nước đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp và dự kiến Uỷ ban này sẽ sớm họp lần đầu tiên vào cuối năm 2008 để thảo luận và đi đến thống nhất kế hoạch hợp tác giai đoạn 2009-2010 nhằm thực hiện Biên bản Thoả thuận đã ký.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Lào Cha Lơn Nhia Pao Hơ, hai bên đã thảo luận và thống nhất tăng cường hơn nữa việc trao đổi kinh nghiệm về xây dựng và thi hành pháp luật với CHDCND Lào trên nhiều lĩnh vực khác nhau (thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp ...) dưới hình thức trao đổi các đoàn chuyên gia, chia sẻ thông tin, ấn phẩm… trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng thông báo với Bộ trưởng Tư pháp Lào tiến độ công tác chuẩn bị của Việt Nam trong việc hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin pháp luật.
Trong không khí thân tình, cởi mở của quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt – Lào, Bộ trưởng Cha Lơn Nhia Pao Hơ cám ơn sâu sắc sự hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Việt Nam đối với Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng Lào cũng chân thành bày tỏ mong muốn được cử thêm nhiều hơn nữa các đoàn cán bộ tư pháp và pháp luật của Lào sang trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng Tư pháp Lào khẳng định kết quả đạt được từ quan hệ hợp tác tốt đẹp với Bộ Tư pháp Việt Nam trong thời gian qua là vô cùng thiết thực. Các kết quả đó đã góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình cải cách tư pháp và pháp luật của Lào.
Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và các Bộ trưởng Tư pháp Xinh-ga-po, Lào tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và quyết tâm của các Bộ Tư pháp, các hoạt động, chương trình hợp tác về pháp luật và tư pháp mà hai bên đã, đang và sẽ thực hiện sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Ngày 21/10/2008, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Brunei Darussalam.
Kết thúc gần 1 tuần Hội nghị ASLOM 12 và ALAWMM 7 làm việc ngày đêm, khẩn trương và đầy nhiệt tình, trách nhiệm, ngày 22/10, Đoàn Việt Nam lưu luyến chia tay các đồng nghiệp ASEAN, tạm biệt Vương quốc hồi giáo Brunei, “Hòn Ngọc xanh” của Đông Nam Á với những rừng nguyên sinh, đảo quốc thiêng liêng của những thánh đường nguy nga và đường bệ… Yên bình, trầm lắng là cảm nhận chung của bất kỳ người nào đã từng đặt chân đến vùng đảo Borneo xinh đẹp này – đúng với tên gọi của Brunei Darussalam: “Nơi ở của hoà bình” (theo tiếng Malay). ALAWMM 7 với những kết quá tốt đẹp đã đạt được, cũng không nằm ngoài mục đích mang lại ngày càng nhiều sự yên bình, thịnh vượng cho Brunei và cộng đồng các dân tộc vốn rất đa dạng, đa truyền thống của Thế giới Đông Nam Á - một thế giới với truyền thống gắn kết các môi trường kinh tế biển, các tuyến giao lưu thương mại; các không gian văn hoá và thể chế nông nghiệp hình thành dọc theo lưu vực các dòng sông; thế giới của những sắc màu tôn giáo và cả những tín ngưỡng, tập quán cổ sơ – trước kia và cả đến hôm nay – vẫn không ngừng biến đổi, phát triển trong một tinh thần khoan dung và hoà hợp.
Nhìn lại chặng đường đã qua của khu vực Đông Nam Á và của Tổ chức ASEAN, có thể thấy sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, sự nối tiếp giữa truyền thống với tương lai mà hệ quả của nó là sự hợp tác giữa các quốc gia, sự hoà đồng giữa các dân tộc nhằm vượt qua mọi trở ngại, tiến tới một khu vực hài hoà, phát triển năng động và bền vững. ALAWMM và các Bộ trưởng Tư pháp - những người xây dựng chiếc cầu nối giữa quan chức pháp luật các nước ASEAN, bằng việc vận dụng linh hoạt "Phong cách ASEAN" trong tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, hữu nghị và đồng thuận, đã, đang và sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hoà hợp, năng động, cởi mở, hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn kết với nhau thông qua sự hợp tác song phương, đa phương vì lợi ích của mỗi quốc gia cũng như của toàn thể cộng đồng.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
_________________________________________
Các bài viết có liên quan: