Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc

28/04/2006
Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc
Bên lề phiên họp 39 ủy ban TVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã trả lời báo giới về vụ nhật báo Chosun, nhìn từ khía cạnh pháp lý liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Bộ Trưởng Uông Chu Lưu cho biết:

Tôi có đọc những bài mà báo chí vừa nêu về hiện tượng này và rất phẫn nộ.

Thậm chí, có sinh viên người Việt học ở Đại học Quốc gia Hàn Quốc, lúc trước được mọi người nhìn nhận với thái độ rất thiện cảm, luôn trân trọng. Thế nhưng, sau khi bùng phát các Cty môi giới cô dâu Việt ở Hàn Quốc, và sau bài báo trên có nhiều người đã đặt câu hỏi với cô sinh viên này: Liệu có phải cô ấy sang để tìm “Hoàng tử Hàn Quốc” hay không? Như vậy, rõ ràng đây không phải vấn đề pháp lý nữa mà là cả vấn đề xã hội, vấn đề đạo lý.

Hội LHPN Việt Nam yêu cầu nhật báo Chosun phải xin lỗi

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa có công văn gửi tổ chức phụ nữ ở Hàn Quốc, khẳng định, pháp luật Việt Nam cho phép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và có tình yêu.

Hội LHPN Việt Nam yêu cầu nhật báo Chosun phải xin lỗi những người phụ nữ đã bị đưa tin, đăng ảnh trên báo in và báo điện tử; xin lỗi phụ nữ và nhân dân Việt Nam vì sự xúc phạm qua những thông tin có chủ ý trên báo.

Hội cũng sẽ gửi thư tới Thủ tướng, Bộ Bình đẳng giới, Hội Phụ nữ Hàn Quốc và các tổ chức phi chính phủ yêu cầu giải quyết vụ việc này.

Được biết, tác giả bài báo là Chae Sung Woo vừa gửi thư ngỏ tới các cơ quan thông tin đại chúng Việt Nam thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, xin lỗi người dân Việt Nam với lý do đã làm nảy sinh sự hiểu lầm.

Những trường hợp báo chí nêu có vấn đề lợi dụng pháp luật. Sau khi Thủ tướng ra Chỉ thị 03 về vấn đề này Bộ Tư pháp đã “siết” lại các quy định, yêu cầu hôn nhân có yếu tố nước ngoài phải tới cơ quan tư pháp phỏng vấn, phải xác định được mục đích hôn nhân là gì… trước khi cho đăng ký kết hôn.

Thế nhưng, họ thường gửi hồ sơ đăng ký kết hôn sang Hàn Quốc để đăng ký kết hôn, sau đó mới gửi về Việt Nam và chúng ta chỉ còn cách là công nhận. Vì thế,  Bộ Tư pháp sẽ phải làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc và cơ quan tư pháp của Hàn Quốc để bàn biện pháp giải quyết.

Biện pháp cụ thể để giải quyết trong trường hợp này là gì, thưa ông?

Tôi nghĩ phải có một hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, hôn nhân gia đình. Mặt khác, ta cũng phải thấy rằng, chị em đi lấy chồng nước ngoài đa số là do điều kiện kinh tế, mơ tưởng đổi đời nên có làn sóng đi lấy chồng nước ngoài.

Trước đây là Đài Loan, còn nay là Hàn Quốc. Đây là vấn đề không ai mong muốn, vì mục đích hôn nhân gia đình thường không đạt được. Do đó, cần cả một giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội thì mới giải quyết được vấn đề này.

Nghĩa là cần sự vào cuộc của các địa phương, các đoàn thể phụ nữ, đoàn thanh niên, liên đoàn lao động, gia đình cũng cần đẩy mạnh công tác giáo dục con em mình.

Nếu có hiệp định như ông nói  thì có  nghĩa là các quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài sẽ chặt chẽ hơn?

Hiệp định này sẽ đề cập tới các vấn đề cụ thể như kiểm tra sức khoẻ, tương đồng ngôn ngữ, mục đích hôn nhân… Và quan trọng là sẽ có sự phối hợp của cơ quan tư pháp hai bên để quản lý thống nhất. Trên thực tế, hiện nay ở ta đã cấm dịch vụ môi giới kết hôn, nhưng ở các nước - chẳng hạn như Hàn Quốc -  họ vẫn cho làm.

Nhưng còn hiện tượng dịch vụ môi giới hôn nhân ở nước ta vẫn đang hoạt động chui?

Trong Chỉ thị 03, Thủ tướng đã giao cho ngành công an cùng với chính quyền địa phương nếu phát hiện được ai làm dịch vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài thì phải xử lý nghiêm.

(Theo Tiền phong)