Họp liên ngành về Đề án Thừa phát lại

09/09/2008
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của một số Bộ, ngành về Dự thảo Đề án Thừa phát lại do Bộ chủ trì soạn thảo. Đề án trước hết sẽ được thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và nếu được thông qua, nó sẽ tạo ra một cơ chế mới góp phần đáng kể vào giải quyết công việc của các cơ quan thi hành án. Sự cần thiết của nó thì ai cũng thấy nhưng đại diện các Bộ, ngành tham dự vẫn chưa thống nhất với một số nội dung của Dự thảo Đề án.

Thừa phát lại được làm những gì?

Theo ông Nguyễn Văn Luyện - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), trong Dự thảo Đề án nêu ra 3 phạm vi công việc mà Thừa phát lại có thể làm, bao gồm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trực tiếp thi hành các quyết định, các bản án theo yêu cầu của đương sự; tống đạt giấy tờ của Toà án, cơ quan thi hành án cho đương sự và lập vi bằng (là biên bản ghi nhận lại những sự kiện, hành vi trên thực tế, có giá trị như chứng cứ để chứng minh trước Toà). Do tổ chức thí điểm từ 2009 – 2015 nên vấn đề “Thừa phát lại được làm những gì” nhận được khá nhiều đóng góp khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên để Thừa phát lại được thực hiện cả 3 chức năng. Theo loại ý kiến thứ hai, đây là chế định tương đối mới trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để triển khai được phải thay đổi một số quy định pháp luật. Vì vậy, sẽ chia 2 giai đoạn, từ 2009 – 2011 chỉ cho thực hiện phạm vi công việc đầu tiên và từ năm 2011 mới làm cả 3 chức năng. Một số ý kiến khác lại kiến nghị, trong giai đoạn 2009 – 2011 có thể mở thêm chức năng tống đạt giấy tờ. Ông Luyện mong muốn, sau cuộc họp liên ngành này, Tổ Biên tập Đề án sẽ có cơ sở đưa ra phương án hợp lý nhất.

Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu có thể thấy rằng vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu. Ông Bích - đại diện TANDTC nhấn mạnh, phải giao ngay chức năng tống đạt giấy tờ cho thừa phát lại và đã giao là giao độc quyền để tránh tình trạng thừa phát lại từ chối tống đạt những vụ khó nếu tống đạt được quy định đơn giản là thoả thuận giữa thừa phát lại với cơ quan thi hành án, toà án. Khẳng định quan điểm của mình về thừa phát lại không phải là một “anh thi hành án phẩy”, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đặt nghi vấn, chỉ giao cho thừa phát lại trực tiếp thi hành án thì mục tiêu xã hội hoá khó thành hiện thực vì cái được trông chờ nhất chính là tống đạt và lập vi bằng. Theo một thành viên UB tư pháp của Quốc hội, tống đạt giấy tờ có thể triển khai sớm, còn lập vi bằng cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi chưa có cơ sở pháp lý hoàn thiện. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu lại khẳng định, sẽ không vướng mắc về thể chế khi giá trị của tình tiết, sự kiện trong vi bằng được phân ra 2 cấp độ – một là nguồn chứng cứ chứng minh tại Toà và có thể thí điểm luôn; hai là những tình tiết, sự kiện hiển nhiên, không cần chứng minh thì phải sửa đổi các quy định liên quan trong các bộ luật tố tụng mới thí điểm được. Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý, giao được cả 3 chức năng cho thừa phát lại là rất tốt song giai đoạn 2009 – 2011 chỉ khoanh vùng trong khuôn khổ việc dân sự.

Có nên tổ chức ngay theo mô hình công ty?

Về mô hình tổ chức, Dự thảo Đề án quy định sẽ thành lập 4 – 5 Văn phòng thừa phát lại tại một số quận trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các văn phòng sẽ hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, công ty và tự chủ tài chính. Khá nhiều ý kiến đồng tình thừa phát lại là một ngành nghề, một hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhưng đề xuất cũng cần tổ chức mô hình thừa phát lại theo 2 giai đoạn. Theo ông Nghĩa (Bộ Tài chính), trong giai đoạn đầu nên tổ chức văn phòng thừa phát lại là một đơn vị sự nghiệp, được hưởng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và về sau mới theo mô hình công ty giống Dự thảo Đề án đã nêu. Ông Nguyễn Duy Lãm –Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp bổ sung, ở giai đoạn 1, nhân viên làm tại các Văn phòng mang tính dịch vụ công này cơ bản là những cán bộ, công chức nhà nước. Tán thành với ông Nghĩa và ông Lãm, ông Bích cho rằng, tổ chức ngay thành một doanh nghiệp sẽ đầy rủi ro, nhất là trong trường hợp có thể chúng ta giới hạn phạm vi công việc thừa phát lại được tiến hành. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các ý kiến trên rất đáng được nghiên cứu song có lẽ cần mạnh dạn hơn trong việc đưa ra mô hình tổ chức, tức là ngay từ đầu sẽ tổ chức như mô hình văn phòng công chứng hiện nay và nhà nước sẽ có những hỗ trợ ban đầu về thuế, đất đai, tín dụng…  

Còn đối với tổ chức thực hiện, Dự thảo Đề án giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND TP. bổ nhiệm thừa phát lại cho các Văn phòng. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng kiến nghị, trước mắt vẫn để Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm thừa phát lại như đã bổ nhiệm chấp hành viên, bởi tên gọi khác nhau nhưng chấp hành viên và thừa phát lại sẽ có thể ngang nhau về quyền năng và nghĩa vụ. Ông Cường nhất trí, để được bổ nhiệm, thừa phát lại phải hội tụ đủ tiêu chuẩn không khác gì chấp hành viên, tuy nhiên việc trao thẩm quyền này cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay Chủ tịch UBND TP. phải tiếp tục được tính toán, cân nhắc thêm.

Hoàng Thư