Hội nghị khách hàng - Diễn đàn đối thoại của Cục ĐKQG GDBĐ với các tổ chức tín dụng

06/03/2006
Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức Hội nghị khách hàng tại TP Hà Nội (ngày 27/02/2006), TP Hồ Chí Minh (ngày 30/02/2006) và TP Đà Nẵng (01/3/2006). Tham dự Hội nghị, ngoài đại diện Lãnh đạo Cục Đăng ký, các Phòng chức năng của Cục, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục còn có sự tham gia của đông đảo các tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh của các Ngân hàng Quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

Tại Hội nghị, các tham luận đều khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, các giao dịch bảo đảm ngày càng phong phú và đa dạng, thu hút mạnh mẽ nguồn lực về vốn phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm ngày càng khẳng định được vai trò trong việc tạo lập một hành lang pháp lý an toàn, công khai, minh bạch cho các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại. Thông qua đăng ký, các giao dịch bảo đảm đã được công khai hoá cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, qua đó giúp họ có thông tin chính xác, tin cậy trước khi quyết định xác lập và thực hiện các giao dịch; xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận cầm cố, thế chấp trong trường hợp dùng một tài sản để cầm cố, thế chấp cho nhiều nghĩa vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch bảo đảm, đồng thời của cá nhân, tổ chức có liên quan; phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật không chỉ trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm mà còn trong hoạt động tín dụng ngân hàng;góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tín dụng không những phát triển nhanh, mà còn phát triển trong thế ổn định; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Toà án đối với các tranh chấp về giao dịch bảo đảm.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, trong thời gian qua, các giao dịch, tài sản được đăng ký tại các Trung tâm Đăng ký giao dich, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã không ngừng gia tăng (chỉ tính riêng Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Hà Nội đã đạt số lượng 43.882 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính (tính từ ngày 12/3/2002 đến hết tháng 12/2005), trong đó số lượng năm sau cao hơn năm trước). Với những kết quả đạt được của các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản trên các mặt công tác như: ổn định về cơ cấu tổ chức, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đăng ký, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ khách hàng… đã thể hiện sự nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói chung và cán bộ đăng ký của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt là thông qua hoạt động đăng ký đã góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn của xã hội về vai trò của công tác đăng ký giao dịch, tài sản. Hệ thống đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã được đầu tư, hoàn thiện về thể chế, pháp luật, về đội ngũ cán bộ và về cơ sở vật chât, kỹ thuật phục vụ công tác đăng ký. Với trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính đơn giản, thuận tiện cho người yêu cầu đăng ký, các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đã và đang hướng một hệ thống đăng ký động sản minh bạch, an toàn, hiện đại, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, tại Hội nghị khách hàng, các tổ chức tín dụng cũng đã có những ý kiến góp ý nhằm xây dựng hệ thống đăng ký ở nước ta trong thời gian tới, cụ thể như:

Thứ nhất:Trong thời gian tới, cần thống nhất biểu mẫu đăng ký giao dịch bảo đảm để thuận lợi cho việc áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Thứ hai: Việc đăng ký mới chỉ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, trong khi tại một số địa phương, công tác đăng ký chưa phát huy hiệu quả do người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đăng ký.

Thứ ba:Số lượng khách hàng hiện nay chủ yếu là các tổ các tín dụng đã đăng ký khách hàng thường xuyên của các Trung tâm, vì vậy còn không ít tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh khác không phải là tổ chức tín dụng và các cá nhân trong xã hội chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm, tài sản cho thuê tài chính.

Thứ tư:Số lượng đơn yêu cầu cung cấp thông tin còn hạn chế (chỉ tính riêng Trung tâm đăng ký tại Hà Nội, từ tháng 3/2002 đến hết tháng 12/2005 mới chỉ có 366 đơn). Do vậy, cần áp dụng tổng thể các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa số lượng đơn yêu cầu cung cấp thông tin trong thời gian tới.

Thứ năm: Cần hiện đại hoá trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, trước hết là giao dịch bảo đảm bằng động sản (ví dụ như thực hiện đăng ký qua mạng, xây dựng Website

Thư sáu: Cần thường xuyên trao đổi, tiếp xúc với khách hàng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đăng ký, cung cấp thông tin.

Để khắc phục những hạn chế trên, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nói chung và các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản nói riêng xác định các giải pháp chủ yếu sau đây: kịp thời xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, cho thuê tài chính; tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ đăng ký; tăng cường hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; mạnh dạn áp dụng các sáng kiến, khoa học - kỹ thuật trong công tác đăng ký; xác định mục tiêu hướng hoạt động đăng ký đến từng khách hàng…

Có được những kết quả quan trọng trong công tác đăng ký giao dịch, tài sản trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp tích cực của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ công chức công tác tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản, còn phải kể đến sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả của khách hàng, mà trước hết và chủ yếu là các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Những đánh giá tích cực của khách hàng về thủ tục đăng ký, về thái độ và trách nhiệm của cán bộ đăng ký, về tính minh bạch, an toàn của hoạt động đăng ký… tại Hội nghị đã chứng minh hướng phát triển đúng đắn của hệ thống đăng ký giao dịch, tài sản là động sản ở nước ta.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo Hội nghị tại TP Hà Nội, đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã có bài phát biểu quan trọng, biểu dương sáng kiến tổ chức Hội nghị khách hàng, khẳng định ý nghĩa của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm trong gia đoạn hiện nay, đặc biệt đồng chí Thứ trưởng đã chỉ rõ định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống đăng ký nhằm phục vụ nền kinh tế đất nước, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các tổ chức, cá nhân, hướng tới mục tiêu phục vụ lợi ích chung của xã hội, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Cũng tại Hội nghị khách hàng, nhiều vướng mắc của tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện pháp luật về đăng ký, đặc biệt là đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được Lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm giải đáp và tháo gỡ kịp thời.

Với những kết quả thu được tại Hội nghị khách hàng, theo chúng tôi, đây thực sự là "Diễn đàn đối thoại giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với các tổ chức tín dụng" và tin tưởng rằng hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên để hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm thực sự "thân thiện"với khách hàng.

 

Quang Huy