Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

05/07/2025
Nâng cao hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Sáng 04/7/2025, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức “Tọa đàm trao đổi về thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất - Một số vấn đề cần thống nhất trong áp dụng, thi hành”.
Tọa đàm do ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước và ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA đồng chủ trì. 
Tham dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan như: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, một số Sở và cơ quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức luật sư, cơ sở đào tạo chuyên ngành luật trên địa bàn TP Hà Nội và cơ quan, tổ chức có liên quan. 
Thống nhất trong áp dụng, thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cù Thu Anh cho biết, trong nền kinh tế thị trường, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong bối cảnh cả nước đang triển khai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp cùng với việc Bộ Chính trị mới ban hành 4 Nghị quyết “Bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “Phải đổi mới căn bản công tác xây dựng, thi hành pháp luật, đặc biệt là phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật”, việc tổ chức Tọa đàm trao đổi về thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và những nội dung pháp lý cần thống nhất trong áp dụng, thi hành là hoạt động cần thiết, mang tính thời sự và có giá trị thực tiễn cao. Thông qua việc trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong áp dụng pháp luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể liên quan, đáp ứng yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. 
 
Cục trưởng Cù Thu Anh phát biểu khai mạc.
 
Ngoài ra, việc tổ chức Tọa đàm còn tạo diễn đàn để các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm pháp lý cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giúp Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện về thể chế, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.  
Vấn đề pháp lý về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe tham luận dẫn đề do bà Nguyễn Quang Hương Trà, Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước trình bày với nội dung “Pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và một số vấn đề cần thống nhất trong áp dụng, thi hành”; tham luận do bà Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng Đo đạc và đăng ký đất đai, Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày với nội dung “Một số vấn đề cần lưu ý trong thế chấp và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và một số yêu cầu đặt ra trong áp dụng, thi hành”; tham luận của bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam: “Thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất từ hoạt động của tổ chức tín dụng”.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe ông Onishi Hiromichi - Chuyên gia dài hạn của dự án Jica trình bày tham luận “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm bằng bất động sản”.
 
Ông Chinone Koichi, Cố vấn trưởng Dự án JICA phát biểu tại Tọa đàm. 
 
Một số vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành pháp luật cũng được các đại biểu tham dự phản ánh tại Tọa đàm như: cơ chế đăng ký thế chấp đối với tài sản gắn liền với đất là rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm khi trong Luật Đất đai 2024 không quy định về chứng nhận quyền sở hữu đối với các loại tài sản này; vấn đề đăng ký thay đổi trong trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm, thay đổi bên nhận bảo đảm trong trường hợp mua bán nợ, đăng ký thay đổi trong trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đã hình thành; vấn đề hướng dẫn ghi nội dung đăng ký về chủ thể nhận thế chấp trên Giấy chứng nhận trong trường hợp pháp nhân (Ngân hàng) giao quyền cho Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ đăng ký biện pháp bảo đảm...
Trên cơ sở đó, đại diện Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan để thống nhất trong áp dụng, thi hành. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp tổ chức thi hành pháp luật, giải pháp sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm nói chung và đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nói riêng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Kết thúc Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã có sự ổn định, tuy nhiên trong thực tiễn thi hành vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, phản ánh tại Tọa đàm liên quan đến quy định pháp luật, Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền về giải pháp, định hướng hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thi hành.
Thay mặt Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm và Bồi thường nhà nước, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp của Dự án JICA, sự tham gia của các chuyên gia và các đại biểu đối với Tọa đàm.