Hoàn thiện Chương trình khung đào tạo nghề công chứng theo Luật Công chứng năm 2024

08/05/2025
Hoàn thiện Chương trình khung đào tạo nghề công chứng theo Luật Công chứng năm 2024
Sáng 07/5/2025, Học viện Tư pháp khai mạc Hội nghị lấy ý kiến xây dựng Chương trình khung đào tạo nghề công chứng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams.
Dự Hội nghị có bà Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; bà Trần Thu Hường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Chí Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, đại diện các Hội Công chứng viên của một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… 
Phía Học viện Tư pháp có NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; TS. Phạm Thị Thúy Hồng - Trưởng Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác; TS. Lại Thị Bích Ngà - Phó Trưởng Khoa Đào tạo công chứng viên và các chức danh khác cùng các đại biểu là giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu, đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn và các đơn vị thuộc Học viện Tư pháp. 
 
NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cảm ơn các đại biểu đã tham dự Hội nghị, cũng như đã đồng hành, ủng hộ Học viện Tư pháp trong thời gian qua. Tại Hội nghị này, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về các nội dung để hoàn thiện Chương trình khung đào tạo nghề công chứng, bao gồm: chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, kết cấu của chương trình khung và thời gian đào tạo.
Ngày 26/11/2024, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Công chứng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và thay thế Luật Công chứng số 63/2015/QH13. Việc sửa đổi và ban hành Luật Công chứng năm 2024 nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại Điều 11 Luật Công chứng năm 2024 quy định việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chương trình khung đào tạo nghề công chứng. Ngày 03/01/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 12/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng. Với vai trò đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, Học viện Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc xây dựng Chương trình khung đào tạo nghề công chứng và tài liệu đào tạo nghề công chứng phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước hiện nay và quy định của Luật Công chứng.
 
Các đại biểu ​góp ý tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị cần mô tả đơn giản và rõ ràng chuẩn đầu ra, chuẩn đầu ra có thể đánh giá được, cập nhật những định hướng, yêu cầu mới trong các Nghị quyết như Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025… 
Cụ thể, chuẩn đầu ra về kiến thức nên gom gọn lại gồm: Hiểu được kiến thức về công chứng viên, nghề công chứng viên; Hiểu và vận dụng được các quy tắc đạo đức trong quá trình hành nghề; Hiểu và vận dụng được các quy định pháp luật liên quan, các kiến thức pháp lý trong quá trình hành nghề; Chuẩn đầu ra về kỹ năng cần chọn lọc, viết ngắn gọn, rõ ràng hơn; Chuẩn đầu ra về thái độ nên cân nhắc cập nhật các yêu cầu, định hướng trong các Nghị quyết của Đảng, tập trung vào tính chuyên nghiệp, tinh thần chủ động, tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với yêu cầu và bối cảnh thực tiễn. 
Về cấu trúc chương trình, các đại biểu đánh giá chương trình đào tạo cơ bản phù hợp, lưu ý một số điểm như đặt tên gọi phù hợp hơn, cân nhắc tỉ lệ giữa kỹ năng cơ bản và Kỹ năng bổ trợ. Các đại biểu cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn sự khác nhau của Chương trình đào tạo 12 tháng và Chương trình đào tạo 6 tháng. 
 

NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng kết thúc buổi làm việc.

Kết thúc buổi làm việc, NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến để chỉnh sửa hoàn thiện Chương trình khung đào tạo nghề công chứng. NGƯT. PGS. TSl Nguyễn Minh Hằng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến và báo cáo giải trình, thống nhất hoàn thiện Dự thảo Chương trình khung đào tạo nghề công chứng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.
Thanh Hương