Từ ngày 07/4/2025 đến ngày 11/4/2025, trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Việt Nam và Đức, đoàn công tác của Bộ Tư pháp gồm đại diện các đơn vị Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Vụ Hợp tác quốc tế và tổ chức Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam đã có chuyến công tác nghiên cứu tại Cộng hòa liên bang Đức và Vương quốc Bỉ nhằm học hỏi kinh nghiệm và trao đổi về thực tiễn xây dựng và thực thi khung pháp lý về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và kinh tế số.
Trong 02 ngày làm việc đầu tiên tại Munich (CHLB Đức), Đoàn công tác đã làm việc với các Bộ ngành của bang Bavaria về việc ứng dụng các công nghệ số (tập trung vào trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực y tế, chiến lược thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và trao đổi kinh nghiệm của bang Bavaria trong việc thiết lập hệ sinh thái phát triển cũng như một nền tảng đối thoại với sự tham gia của nhiều chủ thể về trí tuệ nhân tạo. Trong các cuộc thảo luận, các chuyên gia trao đổi thảo luận tập trung vào các vấn đề về xây dựng không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) và bảo vệ dữ liệu y tế trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại bang Bavaria.
Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng đã làm việc với đại diện Bộ Tư pháp bang Bavaria, tập trung vào chủ đề tư pháp điện tử (e-Justice) – thảo luận về cách các công cụ số đang được tích hợp vào hệ thống tư pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, khả năng tiếp cận và tính hiệu quả. Tiếp theo là toạ đàm về việc thực thi các quy định quản lý các nền tảng số tại cấp bang và liên bang cũng như trách nhiệm của các nền tảng số trong việc gỡ bỏ những nội dung bất hợp pháp, tiếp nối cuộc thảo luận đã được Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp bang Bavaria trao đổi trực tuyến trước đây. Kết thúc ngày làm việc, đoàn công tác tham gia buổi học tập kinh nghiệm về Đạo luật trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu do Giáo sư Tiến sĩ Eric Hilgendorf (Đại học Würzburg) trình bày, trong đó nêu bật những thách thức và cơ hội trong việc thực thi Đạo luật trí tuệ nhân tạo của EU, Chỉ thị Trách nhiệm Sản phẩm (sửa đổi) và các chính sách, quy định có liên quan khác.
Tiếp đó, đoàn công tác đã có 03 ngày làm việc với các cơ quan, tổ chức tại Brussel (Vương quốc Bỉ) Bắt đầu với chuyến thăm Văn phòng Giám sát Bảo vệ Dữ liệu Châu Âu (EDPS), đoàn đã có cơ hội tìm hiểu về cách tiếp cận của EU đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư, cũng như việc triển khai Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR). Cuộc thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có đạo đức và các cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại số. Tiếp theo là buổi thảo luận hiệu quả với Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC), tập trung vào tầm quan trọng của bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số - đặc biệt trong bối cảnh các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ. Một điểm nhấn đặc biệt trong ngày là cuộc gặp với ông Markus Ferber, Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu kiêm Chủ tịch HSF, với các chủ đề tập trung vào khung pháp lý cho chuyển đổi số (như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu, đổi mới sáng tạo) và quy trình lập pháp của EU. Cuộc trao đổi thể hiện cam kết chung trong việc xây dựng khung pháp lý thúc đẩy năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hạn chế các rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng.
Ngày thứ tư với cuộc trao đổi tại DG CONNECT (Tổng cục Mạng lưới truyền thông, Nội dung và Công nghệ của Ủy ban châu Âu), tập trung vào các ưu tiên chính sách kỹ thuật số của EU, việc thực hiện Đạo luật trí tuệ nhân tạo và vai trò của Ủy ban trong việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số có trách nhiệm trên nhiều lĩnh vực. Tiếp theo là cuộc họp với Bà Angelika Niebler, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, trong đó việc thảo luận tập trung vào các nỗ lực của Nghị viện châu Âu nhằm cân bằng đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền — đặc biệt là trong các lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản trị dữ liệu và công bằng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Kết thúc ngày, đoàn đại biểu đã đến thăm tổ chức ALLDigital – tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực số, buổi trao đổi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa nhập kỹ thuật số, phát triển kỹ năng kỹ thuật số và các giải pháp do cộng đồng thúc đẩy để đảm bảo tương lai kỹ thuật số công bằng hơn trên khắp châu Âu.

Ngày thứ năm, đoàn công tác có buổi thảo luận với ông Davide Monaco, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPS) với chủ đề khung chính sách cho vấn đề về lao động - việc làm tại EU trong giai đoạn chuyển đổi số. Buổi thảo luận tập trung về các vấn đề liên quan đến tác động của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đối với điều kiện làm việc, việc làm và thị trường lao động. Kết thúc ngày làm việc, đoàn công tác có buổi trao đổi với ông Humbert De Biolley - Phó Chánh Văn phòng của Hội đồng Châu Âu tại Brussels về Công ước khung về trí tuệ nhân tạo.
Trong tất cả các buổi làm việc, Đoàn công tác và các đối tác cũng trao đổi thông tin về các cơ hội hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới liên quan tới các vấn đề pháp lý về chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, hướng tới sự phát triển chung của các quốc gia. Trong thời gian công tác, Đoàn công tác cũng đã có buổi chào xã giao với Đại diện Văn phòng HSF tại Munich và Brussel. HSF đã chia sẻ các thông tin về đất nước Đức và Bỉ với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và mong muốn rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để các bên trao đổi thêm về các vấn đề chính sách, pháp luật giữa các quốc gia.
Lê Hồng Thái