Thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 02/2025). Ngày 07/02/2025 tại thành phố Huế, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) đã tổ chức Hội thảo với sự chủ trì của đ/c Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đ/c Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Huế, cùng sự tham dự của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện HĐND, UBND thành phố Huế và các tỉnh khu vực miền Trung; đại diện các sở, ngành và Phòng Tư pháp thuộc thành phố Huế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đ/c Nguyễn Thị Thu Hòe khẳng định việc Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025 là giải pháp quan trọng, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật, phù hợp với yêu cầu tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, phù hợp với yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, thực hiện hiệu quả mục tiêu “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân” đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bảo đảm quy định Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (khoản 1 Điều 8); “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69) và “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL trình bày các chính sách và quy định cụ thể của dự thảo Nghị quyết. Trong đó, dự thảo Nghị quyết tập trung quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp (cụ thể: việc sử dụng con dấu của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp; rà soát, xử lý văn bản; trách nhiệm công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện; giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy).
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị quyết vì đã giải quyết được cơ bản các tình huống trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Đồng thời, một số ý kiến góp ý cụ thể đối với vấn đề cần xem xét, xử lý tại dự thảo Nghị quyết, cụ thể như: Quy định về việc không được làm phát sinh thủ tục hành chính tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết; Cần quy định thêm việc xử lý đối với trường hợp dự liệu không tổ chức công an cấp huyện và thanh tra cấp huyện trong thời gian tới; Thời hạn rà soát, xác định phương án xử lý văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết, là cơ sở quan trọng để việc sắp xếp tổ chức bộ máy không tạo ra khoảng trống pháp lý và giúp hoạt động của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và xã hội sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được diễn ra bình thường, liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn./.
Nguyễn Thị Trà