Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Phan Hồng Nguyên cho biết, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL (Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg). Trong đó, xác định hai định hướng lớn là: (i) Xây dựng TSPL điện tử quốc gia; (ii) Xây dựng, quản lý, khai thác TSPL tại xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân.
Tủ sách pháp luật (TSPL) là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. TSPL đã trở thành một phương thức quan trọng giúp đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). |
Qua 5 năm triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, qua thống kê của Bộ Tư pháp, có 1722 TSPL tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã thuộc các huyện nghèo; hơn 9300 TSPL tại các đơn vị lực lượng vũ trang. Việc triển khai chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đi vào nề nếp với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Từ đó góp phần nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, hướng công tác PBGDPL về cơ sở.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc ngày càng gặp nhiều thách thức. Do đó việc triển khai xây dựng, quản lý, khai thác TSPL còn nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt là số lượng người đến mượn, tìm đọc tại các TSPL còn hạn chế, người dân chủ yếu tìm hiểu pháp luật thông qua mạng Internet, báo điện tử,...
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Cục PBGDPL đã xây dựng báo cáo sơ kết để đánh giá, chỉ ra các khó khăn, hạn chế trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Hội thảo ngày hôm nay nhằm nhìn nhận những kết quả đã đạt được; những tồn tại, khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, căn cơ, nhất là các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Trung ương.
Theo báo cáo tại Hội thảo, những kết quả đạt được sau 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg đã khẳng định TSPL là một hình thức PBGDPL hướng về cơ sở, đưa pháp luật vào cuộc sống. TSPL đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức ở cơ sở, cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân ở cơ quan, đơn vị và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của một bộ phận Nhân dân.
Việc sáp nhập TSPL mà không thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng hiện có đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn cấp xã; góp phần tiết kiệm nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận thông tin pháp luật. Với việc TSPL được xây dựng, khai thác ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn cũng giúp giảm chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật giữa khu vực thành thị và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới…; đa dạng hóa thiết chế văn hóa – thông tin tại cơ sở.
Đồng chí Trần Văn Tùy, Phó Trưởng phòng Truyền thông chính sách, Cục PBGDPL báo cáo tại Hội thảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, hướng dẫn ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, sát sao; chất lượng sách, báo, tài liệu pháp luật trong một số TSPL chưa thực sự phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người đọc; tỷ lệ người dân đến đọc, mượn ở mỗi tủ sách còn ít; dữ liệu trong Tủ sách chưa nhiều, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng/trang thông tin PBGDPL của bộ, ngành, địa phương…
Để nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác TSPL, cần tiếp tục quán triệt, phổ biến thống nhất nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc, của TSPL trong thực thi công vụ, nhất là trong công tác PBGDPL. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác TSPL hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội và sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc xây dựng, phát triển mô hình TSPL đang được khai thác, sử dụng hiệu quả ở cơ sở và tại cộng đồng dân cư.
Thường xuyên thông tin về TSPL, tổ chức các hoạt động (triển lãm, giới thiệu sách, tài liệu pháp luật...) vào dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Pháp luật Việt Nam (11/9)... để thu hút cán bộ, công chức, chiến sĩ và người dân quan tâm, hình thành thói quen đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc đọc sách, báo, tài liệu pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện TSPL điện tử khai thác, kết nối trong cả nước; tăng cường trang bị máy tính, kết nối internet cho chính quyền cấp xã... để ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, sử dụng TSPL.
Các đại biểu trình bày tham luận, cho ý kiến tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Hoa Phượng cho biết, một số đơn vị địa phương đã xây dựng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức quản lý, khai thác sử dụng TSPL như: mô hình “mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; mô hình “Thư viện xanh, Thư viện góc đẹp” tại các trường học nhằm chia sẻ các loại sách pháp luật để các đoàn viên, thanh niên và học sinh dễ tìm đọc…
Qua đó, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đề xuất cần tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao phụ trách trực tiếp quản lý, theo dõi Tủ sách pháp luật của các địa phương.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đề xuất cần tiếp tục quan tâm trang bị tủ sách pháp luật tại các chùa Khmer; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, sử dụng pháp luật của cán bộ và nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer…
Các đại biểu trình bày tham luận, cho ý kiến tại Hội thảo.
Hội thảo cũng được nghe đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trong Công an nhân dân và lực lượng Quân đội nhân dân; đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia chia sẻ về "Đổi mới và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác, tài liệu pháp luật”,... trong đó nhấn mạnh một số giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; phát triển các công cụ tra cứu thông minh; đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực; khuyến khích hợp tác công - tư,...
Thu Nga - Trung tâm Thông tin