Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2024, sáng ngày 10/12, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính) chủ trì khai mạc lớp tập huấn kỹ năng soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động đối với văn bản quy phạm pháp luật tại thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính chủ trì các lớp tập huấn.
Tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp (ngày 07/11/2024), đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, việc xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật; phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hoá chính sách; đồng thời giao Bộ Tư pháp nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng của lớp tập huấn nhằm trang bị nâng cao kỹ năng cho các cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định, xem xét hồ sơ dự án/dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Báo cáo đánh giá tác động chính sách.
Toàn cảnh lớp Tập huấn.
Sáng ngày 10/12/2024 đã diễn ra buổi học đầu tiên: Kỹ năng đánh giá tác động chính sách trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do chuyên gia Võ Thị Lan Phương và trợ giảng tham gia giảng dạy. Buổi học thu hút sự quan tâm, trao đổi của các học viên về các ví dụ thực tiễn xoay quanh nội dung giảng dạy.
Các học viên trao đổi, thảo luận tại Lớp tập huấn.
Chiều ngày 10/12/2024, Lớp tập huấn tiếp tục diễn ra với nội dung “Quy trình, thủ tục và hồ sơ lập đề nghị, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh” do đồng chí Nguyễn Phương Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) giảng dạy.
Lớp Tập huấn dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tập trung vào 04 chuyên đề với nội dung như sau: (1) Kỹ năng lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (2) Kỹ năng đánh giá tác động chính sách trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; (3) Kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; (4) Kỹ năng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Giảng viên đứng lớp của mỗi chuyên đề đều là các chuyên gia có kinh nghiệm trong soạn thảo, thẩm định, đánh giá tác động đối với văn bản quy phạm pháp luật để cung cấp nhiều kỹ năng giá trị phục vụ công tác lập đề nghị, soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng nguồn nhân lực luật chất lượng cao, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay.
Ban Tổ chức, giảng viên và các học viên chụp ảnh lưu niệm sau buổi học đầu tiên.