Rà soát, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm

29/11/2024
Rà soát, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm
Chiều ngày 29/11/2024, thực hiện Quyết định số 1676/QĐ-BTP ngày 10/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Tổ nghiên cứu, rà soát hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm (Tổ rà soát), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp đã tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất của Tổ. Đ/c Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ rà soát chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các thành viên của Tổ rà soát là đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Phòng Công chứng số 1 TP. Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Luật Hà Nội; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Tổng cục Thi hành án dân sự; Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý) và các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp.
Bối cảnh, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
Báo cáo tại cuộc họp, đ/c Nguyễn Quang Hương Trà, Trưởng phòng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, đại diện bộ phận thường trực Tổ rà soát cho biết, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, kinh tế số, sự phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số; đặc biệt, trước yêu cầu, định hướng mới của Đảng hiện nay và các quan điểm, chỉ đạo gần đây của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác xây dựng pháp luật phải ở tầm cao mới và thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đã và đang đặt ra những yêu cầu khách quan và cách tiếp cận mới trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự nói chung, trong đó có vấn đề hoàn thiện về đăng ký biện pháp bảo đảm nói riêng.



Với vai trò quan trọng, trực tiếp liên quan đến công nhận, thực hiện quyền của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp bảo chứng pháp lý tạo cơ sở để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn có bảo đảm với chi phí thấp; tăng cường, nâng cao mức độ an toàn pháp lý để các chủ thể cung ứng vốn yên tâm kịp thời giải ngân các khoản vay để phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; hỗ trợ sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường tài chính, tín dụng, thị trường hàng hóa, bất động sản, thị trường khác liên quan trong nền kinh tế; cung cấp bằng chứng pháp lý chính xác, thuận tiện về tài sản bảo đảm trong thực hiện quản lý nhà nước hoặc khi giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật; góp phần tác động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như của cả nước thì thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm cũng cần phải xác định được định hướng và có các giải pháp phù hợp, khả thi, tương ứng với các định hướng đó để bảo đảm đồng bộ, thống nhất pháp luật, góp phần vào mục tiêu chung trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất được mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra.
 

Tạo cơ sở để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm
Mục tiêu của việc rà soát lần này nhằm tạo cơ sở để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng lớn của Đảng vào trong quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm, góp phần tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác và thu hút được các nguồn lực của các nhà đầu tư ngoài nước cũng như trong Nhân dân; đảm bảo hơn tính bao quát cao, ổn định, khả thi đối với cơ sở pháp lý về xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong đó, tập trung đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đưa các tài sản thuộc các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng vốn theo các xu hướng phát triển của xã hội và các quan hệ xã hội, nhất là các tài sản hình thành từ chuỗi cung ứng hàng hóa, từ kinh tế số, công nghệ số và hội nhập quốc tế vào bảo đảm tiếp cận vốn vay và thực hiện việc đăng ký đối với biện pháp bảo đảm này; việc tiếp nhận công nghệ mới, giải pháp mới để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về biện pháp bảo đảm và cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Với những mục tiêu trên, việc rà soát hệ thống quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm được Tổ rà soát xác định thực hiện trên quan điểm vừa nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về biện pháp bảo đảm, vừa bảo đảm tính ổn định, nhưng không làm xáo trộn về thẩm quyền quản lý nhà nước của các Bộ, các địa phương và không làm thay đổi hệ thống các cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm hiện hành.

Dự kiến bước đầu về một số định hướng nội dung thực hiện rà soát
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ rà soát đã cho ý kiến về mục tiêu, phạm vi rà soát và một số định hướng nội dung dự kiến thực hiện rà soát như: (i) Rà soát việc thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là những chủ trương mới của Đảng liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; (ii) Rà soát cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ giao dịch, tài sản thuộc biện pháp bảo đảm phát sinh theo bối cảnh phát triển của khoa học, công nghệ, kinh tế số; (iii) Rà soát cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy chuyển đổi số trong đăng ký biện pháp bảo đảm, góp phần thực hiện mục tiêu chung về xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; (iv) Rà soát cơ sở pháp lý xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm; về xử lý tài sản bảo đảm; về đăng ký biện pháp bảo đảm liên quan đến đảm bảo bao quát, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ các chuỗi cung ứng vốn, cung ứng hàng hóa xuyên biên giới, phát sinh từ sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế.

Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến góp ý, trao đổi của các thành viên Tổ rà soát về các nội dung nghiên cứu, đề xuất. Để tổ chức triển khai việc rà soát, bảo đảm mục tiêu và kết quả đầu ra theo kế hoạch triển khai, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Tổ rà soát, đồng chí Cục trưởng cho biết, tới đây, Cục sẽ cân nhắc rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung thêm đại diện các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan tham gia Tổ rà soát để bảo đảm tính đại diện và bao quát các nội dung thuộc phạm vi, nhiệm vụ của Tổ theo Quyết định thành lập của Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Đồng thời, Tổ sẽ tiến hành rà soát theo từng nhóm vấn đề cụ thể và chuyên sâu gắn với các chủ đề về chủ thuyết, mô hình mới, hiệu lực, hiệu quả của văn bản pháp luật, cơ chế thi hành…; cũng như thực hiện các nhiệm vụ thiết thực khác để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo./.
Đ.T.N
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm